Cùng với nhà máy Đạm Hà Bắc, sự ra đời của nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đáp ứng 45% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần bình ổn thị trường và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu phân bón. Đến nay, Đạm Phú Mỹ đã chiếm khoảng 35% thị phần phân đạm ure trong nước.
Không dừng lại ở sản phẩm phân ure, PVFCCo còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK, hiện cung ứng khoảng 15% nhu cầu phân NPK chất lượng cao cho thị trường.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, nhu cầu phân đạm hàng năm lên tới hơn 2 triệu tấn. Nhưng cho đến tận cuối thập niên 1990, cả nước chỉ có duy nhất một Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với sản lượng chỉ đáp ứng được khoảng 7 – 10% nhu cầu. Số còn lại, hàng năm Việt Nam phải bỏ ra một khoản ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu.
Mặt khác, do thị trường phân ure trong nước phụ thuộc gần như tuyệt đối vào thị trường quốc tế nên giá bán ure biến động thường xuyên theo sự biến động của thị trường thế giới, cũng như sự thất thường của nguồn nhập khẩu. Điều này khiến nông dân và cả doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều bị ảnh hưởng tiêu cực mỗi khi giá phân bón lên xuống. Khi giá phân bón “sốt nóng” thì nông dân chịu thiệt hại, còn “sốt lạnh” thì doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản…
Vì vậy, sự ra đời của Nhà máy Đạm Phú Mỹ (chính thức khánh thành vào tháng 12/2004) do PVFCCo tổ chức quản lý, vận hành, kinh doanh là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam.
Khẳng định thương hiệu quốc gia
Sản phẩm phân đạm với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ – Cho mùa bội thu” xuất hiện trên thị trường khi đó đáp ứng gần 40% nhu cầu phân đạm của cả nước đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón. Đồng thời góp phần giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, giảm các cơn sốt do tình trạng đầu cơ và các ảnh hưởng bên ngoài gây nên, góp phần ổn định thị trường trong nước, giúp cho nguồn vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp được ổn định.
Bên cạnh đó, với việc tham gia vào hệ thống phân phối Đạm Phú Mỹ, công việc kinh doanh của các đại lý phân bón trở nên ổn định hơn nhiều so với khi kinh doanh hàng nhập khẩu. Lượng ngoại tệ mà chúng ta từng phải chi ra để nhập khẩu phân đạm nay tiết kiệm được để bổ sung cho các chương trình quan trọng khác của đất nước.
Kể từ ngày tiếp nhận Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ Tổ hợp liên danh nhà thầu quốc tế (21/9/2021) đến nay PVFCCo đã phát huy nội lực, vận hành Nhà máy sản xuất an toàn, ổn định, hiệu quả, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống phân phối, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm khắp các vùng miền của đất nước; giữ vững vị thế thương hiệu dẫn đầu ngành phân bón Việt Nam.
Hiện, PVFCCo đã có bộ sản phẩm phân bón khá toàn diện. Bên cạnh sản phẩm truyền thống là Đạm Phú Mỹ, PVFCCo còn cung cấp các sản phẩm phân bón khác như NPK Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ, SA Phú Mỹ, tạo thành bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ chất lượng cao, giá cả hợp lý cho bà con nông dân. Điều đáng nói vừa qua, PVFCCo đã tiếp tục nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa ra thị trường sản phẩm mới là Đạm Phú Mỹ + Kebo. Đây là sản phẩm phân đạm có bổ sung các chất vi lượng (TE) và chuyên dùng cho các cây cà phê, cây ăn quả, rau màu; giúp tăng cường khả năng ra hoa, đậu quả, tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất của bà con nông dân.
Có thể thấy, từ khi sản phẩm của PVFCCo xuất hiện trên thị trường đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón Việt Nam, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, luôn biến động thất thường, đã có thể tự chủ được 50% nguồn cung phân đạm, góp phần giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng và trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới. Điều này đồng nghĩa, PVFCCo đã và đang khẳng định vị thế là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất dầu khí hàng đầu trong nước, là điển hình về thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Tam nông”: Nông nghiệp – Nông thôn – Nông dân, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, sát cánh với bà con nông dân mang về những mùa vàng bội thu.