Những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, những tiết mục lần đầu mang đến Hội thi tạo nên một không khí nghệ thuật hấp dẫn.
Trong ngày 2 – 3/8, tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Quảng Ngãi diễn ra cuộc thi ẩm thực và trình diễn nghi lễ truyền thống; thi diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống và trình diễn trang phục truyền thống. Ấn tượng nhất là những tác phẩm, nhạc phẩm, phần biểu diễn và trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên. Nội dung thi vừa thổi khèn, vừa biểu diễn nhào lộn ngay trên sân khấu, ai nấy đều thích thú. Độc đáo nhất là phần thổi sáo bằng mũi của một nữ nghệ sĩ dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên.
Xem phần thi này, khán giả, các đoàn dự Hội thi đều hào hứng. Chị Quàng Thị Tích, nghệ nhân thổi sáo bằng mũi chia sẻ: “Thổi sáo bằng mũi ngày trước chị gái của tôi học trước, sau đó dạy cho tôi. Bây giờ tôi chuẩn bị dạy cho học trò, phải có học trò theo thì mới không mất tính đặc sắc của dân tộc mình. Lúc mình già yếu đi thì có người đi biểu diễn giống như tôi thế này. Rất vui, rất vinh dự đi tham gia hội thi diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc các tỉnh. Lần đầu tiên trong đời tôi đến tỉnh quảng Ngãi”.
Các tiết mục dự thi của mỗi dân tộc từ các tỉnh miền núi phía Bắc có Lai Châu, Sơn La, Điện Biên với những nhạc cụ truyền thống là biểu diễn múa khèn, thổi sáo. Phần biểu diễn của đồng bào các dân tộc khu vực miền Trung là hô hát bài chòi, cồng chiêng và lên với Tây Nguyên đại ngàn là những âm thanh của rất nhiều nhạc cụ của đồng bào Ê Đê như tiếng chiêng, đàn T’rưng. Phần biểu diễn của các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp là các điệu hò….
Anh Nguyễn Thanh Trung, một khán giả nhận xét: “Hội thi này cho mình được tiếp xúc với rất nhiều dân tộc, hiểu được phong tục tập quán rồi mọi bản sắc dân tộc từ trang phục cho đến ẩm thực rồi các điệu múa. Xem như thế này em thất rất nghệ thuật”.
Tại hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc lần này, đoàn Đắk Lắk mang đến những bản sắc của đồng bào Ê Đê. Đó là phần thi trang phục truyền thống dân tộc Ê Đê; nghi lễ truyền thống Lễ ăn cơm mới của dân tộc Ê Đê, bên cạnh đó là các tiết mục diễn tấu chiêng A ráp, múa xoang hay phần đơn ca bài “Ru em, mùa suốt lúa” của nghệ sĩ ưu tú Y Phôn K’Sơr.
Nói về Hội thi, Nghệ H Nưng Mlo, đoàn Đắc Lắc cho biết: “Mỗi vùng miền, mỗi tỉnh có một bản sắc riêng. Hôm nay đến đây Đắc Lắc mang đến tiếng vang của cồng chiêng núi rừng cùng với điệu múa dân gian và tiếng hát ru con, mang đậm chất thiên nhiên, yêu gia đình, yêu văn hóa, Chương trình này cả đội rất háo hức, vui vẻ, tâm huyết được cùng với các tỉnh bạn học hỏi và trải nghiệm những gì liên quan đến văn hóa và cái mới mẻ của tỉnh bạn”.
Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc lần này có sự xuất hiện của nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Đó là, các liền anh liền chị biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh, điệu hò Đồng Tháp Mười, biểu diễn cồng chiêng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên…
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Những phần trình diễn của các đoàn nghệ thuật có sự chuẩn bị rất công phu và những tiết mục như trình diễn về nghi lễ, trình diễn về trang phục cũng như trình diễn về dân ca, dân vũ các đoàn tập hợp, lựa chọn những tiết mục rất đặc sắc trình diễn cho bà con nhân dân của tỉnh Quảng Ngãi cũng như du khách đến xem. Và cũng mong muốn đây là dịp quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể của các vùng miền, các dân tộc. Thông qua đợt thi này để phục dựng lại nghi thức truyền thống, trang phục truyền thống”.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/dam-da-ban-sac-cac-dan-toc-trong-ngay-hoi-dien-xuong-van-hoa-dan-gian-post1112059.vov