Đám cưới là một dịp để ăn mừng, gặp gỡ nhưng nhiều khi lại “lệch pha” về giờ giấc. Tùy mỗi nơi mỗi điều kiện, đám cưới ảnh hưởng bởi văn hóa vùng miền, tập quán.
“Giờ dây thun” 1 tiếng
Chỉ nói riêng về khía cạnh giờ giấc đi đám cưới thôi đã có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Ngay nơi tôi sống là Quảng Nam và Đà Nẵng có lịch sử, địa lý gắn với nhau mà đã có sự khác biệt.
Sống ở Đà Nẵng gần 20 năm tôi nhận thấy “giờ dây thun” khi đi đám cưới ở nhà hàng tầm 1 tiếng. Ví dụ khi mời cưới lúc 11h thì giờ dọn tiệc sẽ bắt đầu chậm hơn 1 tiếng.
Hầu như đám cưới ở các nhà hàng đều như thế. Khách khứa đều ngầm hiểu trong vòng 1 tiếng ấy, hàng trăm quan khách sẽ có thời gian gửi phong bì, chụp ảnh, bắt tay, nói chuyện và… chọn chỗ ngồi trong hôn trường.
Tôi nghĩ như thế cũng là sự hợp lý. Bởi với lượng khách lên tới hàng trăm người, chủ hôn cũng cần có thời gian thong thả để chào mừng, cảm ơn khách khứa tới dự.
Tất nhiên, nếu cô dâu chú rể chu đáo hơn thì trên thiệp mời sẽ ghi rõ thời gian đón khách, thời gian nhập tiệc.
Ông Trần B., quản lý một nhà hàng tiệc cưới trên đường 2-9, cho biết khi nhận hợp đồng tiệc cưới, thời gian nhà hàng phục vụ khoảng 4 tiếng. Gia chủ sẽ đến sớm trước giờ cưới 1 tiếng để chuẩn bị cho đám tiệc, thời gian đón khách tầm 1 tiếng và thời gian dùng tiệc thường 2 tiếng.
“Làm nghề này hơn chục năm họa may lắm mới thấy “giờ dây thun” kéo dài hơn 1 tiếng. Thông thường nếu giờ mở tiệc chậm trễ hơn 1 tiếng thường rơi vào trường hợp mưa gió hoặc thành phố có sự kiện lớn gây kẹt xe. Hiếm lắm mới có trường hợp khách đến quá ít, buộc gia chủ phải chờ thêm”, ông B. chia sẻ.
Khai tiệc đúng giờ, kết thúc… thả ga
Về vùng nông thôn Quảng Nam, các đám cưới tổ chức tại gia thường có giờ khai tiệc đúng giờ ghi trên thiệp. Còn giờ kết thúc thì… thả ga. Ít nơi xài giờ dây thun vì một số nơi còn quan niệm họ nhà gái sẽ rời hôn trường trước… chính ngọ (trước 12h trưa).
Tôi về quê, các chú các bác bảo đám cưới ở quê đúng giờ vì mọi người còn thong thả. Ở quê thường xong công việc đồng áng rất sớm, lại không bị áp lực thời gian tan làm như dân công sở, không lo kẹt xe nên bà con thường đến sớm hơn so với giờ được mời.
Ngoài ra, đám cưới quê thường dựng rạp ngoài trời, nếu chờ chính ngọ mới nâng ly thì ai cũng đẫm mồ hôi.
Tôi nghĩ chẳng mấy ai mong muốn đến trễ trong đám cưới. Ngày vui sẽ trọn vẹn nếu người tổ chức lẫn người đi dự đám cưới đều có sự chuẩn bị chu đáo.
Người mời cũng nên có thêm thông tin chỉ dẫn (bằng mã QR hoặc bản đồ) điểm đến tiệc cưới để khách mời hình dung đường sá, đi lại thuận lợi…
Người đi dự cưới cũng nên hiểu thêm văn hóa tiệc cưới của vùng miền thì sẽ trọn vẹn hơn. Ví dụ có nơi giờ khai tiệc là giờ trên giấy mời, có nơi khách ngồi đủ bàn là tiệc lên mâm, có nơi hôn trường kín chỗ mới khai tiệc…
Nhà hàng tiệc cưới Đà Nẵng tập trung chủ yếu trên một con đường
Ở Đà Nẵng, hầu hết trung tâm hội nghị tiệc cưới tập trung trên tuyến đường 2-9, quận Hải Châu nên việc di chuyển, đậu đỗ xe cũng thuận lợi.
Khi mở rộng tuyến đường 2-9 nhiều năm trước, Đà Nẵng đã quy hoạch những lô đất lớn để làm các trung tâm hội nghị tiệc cưới có bãi giữ xe phía trước. Từ vài nhà hàng ban đầu đến nay riêng khu vực này có hơn 10 trung tâm tổ chức tiệc cưới, có khả năng tổ chức hơn 50 đám cưới cùng lúc.
Điều dễ thương là các nhà hàng này đều cùng chung giờ khai tiệc như nhau, không để khách mời phải dài cổ chờ đợi khi dự đám cưới ở đây.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dam-cuoi-khong-gio-day-thun-khach-du-ban-la-len-mam-20240806075516787.htm