Sau 9 tháng đầu năm, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) đã hoàn thành 133% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đạm Cà Mau vượt 33% kế hoạch lợi nhuận năm
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu thuần giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, còn 2.634 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán được tiết giảm mạnh, lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau trong kỳ đã tăng 111%, đạt 375 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng mạnh từ 6% lên 14%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Đạm Cà Mau đạt 39 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, Đạm Cà Mau ghi nhận 121 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 64% so với quý III/2023. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau thu về 9.242 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.056 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 2% và 71% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi sau thuế ở mức 795 tỷ đồng. Như vậy, Đạm Cà Mau đã hoàn thành 133% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.
Trong cơ cấu doanh thu, phân đạm urê vẫn là mảng chủ lực khi đóng góp hơn 5.552 tỷ đồng và có biên lợi nhuận gộp tăng vọt lên 26% (nhờ giá đầu vào giảm giúp giảm giá vốn). Mảng NPK mang về gần 1.832 tỷ đồng với biên lãi gộp đạt 16%.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 15.420 tỷ đồng, tăng 182 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 47% lên 3.173 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản (56%) là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với 8.616 tỷ đồng. Trong 9 tháng, công ty thu về gần 215 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Dư nợ vay tài chính cuối quý III của Đạm Cà Mau khoảng 1.627 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 9.895 tỷ đồng, bao gồm 1.715 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đạm Cà Mau kỳ vọng vào vụ Đông Xuân và Luật Thuế VAT
Sau giai đoạn đi ngang trong quý III/2024, giá phân bón urê được kỳ vọng tăng trở lại khi vụ Đông Xuân đã đến, tạo động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón nói chung và Đạm Cà Mau nói riêng trong quý cuối năm.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, nhu cầu phân bón urê từ các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại khi vụ Đông Xuân (lúa mì, ngô) bắt đầu, đây cũng là vụ mùa lớn nhất của năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón.
Bên cạnh đó, nếu dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) về việc áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón được Quốc hội thông qua, sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, từ đó tăng tính cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Dự án Luật Thuế VAT sửa đổi đang được xem xét. Tại dự thảo này, phân bón được đề xuất chuyển từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) với thuế suất 5% và chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2025.
Dựa trên các yếu tố về thị phần và năng lực kinh doanh, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi tích cực nếu áp thuế VAT mặt hàng phân bón. Đồng thời, với năng lực tài chính hiện tại, Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ có sự chống chịu tốt trước các thách thức kinh doanh và nắm bắt các cơ hội mở ra khi thị trường biến động.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh ngành phân bón, SSI Research nhận định nhu cầu phân bón trên toàn cầu trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino trong năm 2023; qua đó, thúc đẩy mặt bằng giá phân bón tăng trở lại.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, làm rõ hơn về chiến lược trong năm nay, ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết: Bức tranh nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan, có sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm 2023. Đạm Cà Mau coi đây là năm then chốt để tăng tốc, ba mũi chiến lược chính gồm đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2024, Đạm Cà Mau đã chính thức nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư kho cảng Nhơn Trạch với quy mô lớn.
Theo đó, dự án kho cảng Nhơn Trạch được Đạm Cà Mau đầu tư quy mô lớn với mục tiêu xây dựng hạ tầng phục vụ lưu trữ sản phẩm, nguyên liệu để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu tại cảng Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.
Đạm Cà Mau cũng vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Samsung C&T (Samsung) vừa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của hai bên.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) trước đó kỳ vọng Đạm Cà Mau sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) mạnh mẽ ở mức 45%/năm trong giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, như đã nói ở trên, Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi được thông qua và có hiệu lực từ 2025 được VCBS nhận định sẽ giúp tăng sản lượng kinh doanh và giảm giá thành đầu vào thông qua hoàn thuế đầu vào.
Thêm nữa, lợi nhuận từ năm 2024 sẽ được thúc đẩy khi chi phí khấu hao nhà máy urê của Đạm Cà Mau giảm mạnh khoảng 900 tỷ đồng/năm nhờ hết khấu hao.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ phân bón thế giới năm 2024 được dự báo tăng nhẹ. Nhu cầu tiêu thụ nội địa kỳ vọng tăng vào quý IV/2024 và quý I/2025 khi bước vào vụ Đông Xuân.
Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2024, chủ yếu nhờ nhu cầu phân bón tăng tại khu vực Đông Á, Nam Á và Mỹ Latinh – chiếm 2/3 mức tăng trưởng toàn cầu.
Được biết, về kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 10/2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng sản xuất urê đạt 84.730 tấn; sản lượng tiêu thụ urê đạt 85.000 tấn; sản lượng sản xuất NPK đạt 24.000 tấn; sản lượng tiêu thụ NPK đạt 5.000 tấn.
Nguồn: https://danviet.vn/dam-ca-mau-vuot-33-ke-hoach-loi-nhuan-nam-chi-sau-9-thang-20241028154604153.htm