Báo cáo tại Hội nghị, bà Bùi Thị Mai Lan, Phó Chánh Văn phòng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, Cục Khoáng sản Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành.
Theo đó, Lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam đã phân công nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cấp phép hoạt động khoáng sản; công tác tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ hoạt động khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo tiến độ.
Về tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2023, Cục Khoáng sản Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản và đồng chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản.
Hiện Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Tờ trình, các dự thảo báo cáo trong Hồ sơ trình Chính phủ tháng 2/2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2024 để chuẩn bị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật.
Về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, ngày 3/7/2023, Bộ Tư pháp đã họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định. Cục Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo Ban Cán sự đảng về dự thảo Nghị định và vấn đề khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đồng thời Cục đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để trình Chính phủ ban hành.
Về công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, Cục Khoáng sản Việt Nam luôn bám sát và tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ quy định của pháp luật.
Cụ thể, tính hết tháng 6, Cục đã trình Bộ ban hành 13 Giấy phép khai thác khoáng sản; 2 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 10 Quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, 12 Quyết định liên quan đến đóng cửa mỏ khoáng sản.
Đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ các công trình giao thông trọng điểm, quốc gia, Cục đã tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết, bao gồm Nghị quyết số 31/NQ-CP Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023; Nghị quyết số 47/NQ-CP thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Theo bà Bùi Thị Mai Lan, Cục cũng đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, số liệu của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục đã tổng hợp trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cục cũng đã tiến hành 27 cuộc kiểm tra đột xuất liên quan đến đề nghị: cấp giấy phép thăm dò, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ… theo đề nghị của địa phương và doanh nghiệp. Hiện Cục đang tiến hành 6 cuộc kiểm tra theo kế hoạch đối với các Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Yên Bái, Gia Lai
Ngoài ra, Cục Khoáng sản Việt Nam đã kiểm tra công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 2014 – 2022) của UBND tỉnh Tiền Giang…
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang cho biết để hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục sẽ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam vào thực hiện các nhiệm vụ của Cục.
Cục sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Cục với các đơn vị trực thuộc Bộ; phối hợp giữa Cục với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ và xác định công việc trọng tâm cần giải quyết hàng tuần, tháng, quý…
Đồng thời, để đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ Luật Địa chất và Khoáng sản (trình Chính phủ tháng 10/2023), Cục trưởng Nguyễn Trường Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bố trí nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên và phê duyệt nhiệm vụ mở mới năm 2023 sử dụng vốn sự nghiệp môi trường để tổ chức thực hiện. Đây là nhiệm vụ cấp bách cần triển khai thực hiện để đảm bảo tiến độ xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trong bối cảnh nhiệm vụ ngày càng phức tạp và nặng nề, Cục trưởng Nguyễn Trường Giang đề nghị các cán bộ, công nhân viên chức của Cục tiếp tục đoàn kết, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.