Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân vừa chính thức được trao quyết định trở thành ĐH. Như vậy, hiện Việt Nam có 9 ĐH, bao gồm 2 ĐH quốc gia, 3 ĐH vùng, 3 ĐH lĩnh vực và 1 ĐH tư thục.
Trước đó là các ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Duy Tân. Trừ Duy Tân là ĐH tư thục, còn lại là các ĐH công lập.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường ĐH và ĐH là hai khái niệm khác nhau. Trường ĐH, Học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường ĐH, khoa thành viên. Để chuyển từ trường ĐH thành ĐH, các trường cần đảm bảo 3 điều kiện: Được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất 3 trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
ĐH Kinh tế Quốc dân được thành lập tháng 1/1956, tiền thân là trường Kinh tế Tài chính trung ương. Đây là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam chuyên đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Hiện, trường có 88 ngành ở trình độ ĐH, 70 ngành sau ĐH. Ngoài các ngành truyền thống, trường có nhiều ngành mới như Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin… Quy mô đào tạo của ĐH Kinh tế Quốc dân hiện hơn 40.000 sinh viên và học viên. Ông Phạm Hồng Chương – Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, chuyển sang ĐH là sự khẳng định vị thế đặc biệt của trường trong nền giáo dục ĐH ở Việt Nam. Thời gian qua, trường ưu tiên chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tiến tới học và thi trên máy tính.
Theo thống kê trong 1.000 ĐH đứng đầu Bảng xếp hạng các ĐH tốt nhất QS World, có đến 96% là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Việc nâng cấp mô hình thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực theo nhiều chuyên gia là nhằm tạo điều kiện, cơ sở để ĐH phát triển vươn tầm quốc tế, chất lượng giáo dục ĐH được nâng cao.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, một trong những thách thức lớn nhất là ở đẳng cấp ĐH là cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn thể hiện bằng thực lực về chất lượng và cam kết, cùng hành động đào tạo và nghiên cứu trong một số lĩnh vực qua sự đa dạng các chương trình đào tạo và đủ về nguồn lực về con người (năng lực quản trị, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ…), về tài chính, đất đai cùng cơ sở vật chất khác. Ở vị thế ĐH, bắt buộc phải mở rộng hoặc xây dựng các chương trình đào tạo sau ĐH. Điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ giảng viên đủ mạnh ở nhiều lĩnh vực và đòi hỏi đầu tư lớn hơn về cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, ĐH cần phải phát triển năng lực nghiên cứu gồm các phòng thí nghiệm, nguồn tài trợ từ doanh nghiệp hoặc từ Nhà nước và một đội ngũ cán bộ giảng viên có nền tảng nghiên cứu vững chắc. Thách thức về mặt cơ cấu tổ chức cần được quan tâm khi chuyển sang vị thế ĐH. Ở vị thế này thường đòi hỏi một cơ cấu tổ chức phức tạp hơn, bao gồm việc thành lập nhiều trường thuộc, trung tâm nghiên cứu và các chương trình sau ĐH. Đặc biệt sự điều phối mạnh của ĐH để đảm bảo tự chủ của ĐH, sự tự chủ của các đơn vị thuộc trong khi phải đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết cần thiết sao cho quyền lực, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi thành viên được hài hòa, công bằng, thống nhất chung với sứ mệnh ĐH mới. Cùng đó, trở thành ĐH, cần đảm bảo rằng các giá trị và truyền thống cốt lõi được bảo tồn đồng thời thực hiện sứ mệnh mở rộng.
TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, để đạt được kỳ vọng trở thành ĐH danh tiếng châu Á khi nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó về mặt thể chế, Nhà nước cần tạo điều kiện rất thuận lợi để ĐH đa ngành, đa lĩnh vực phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sự khác nhau giữa ĐH và trường ĐH không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường ĐH cũng có thể phát triển quy mô rất lớn, có kết quả nghiên cứu đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. ĐH quan trọng ở chỗ là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong, đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị cao. ĐH cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị, ĐH Kinh tế Quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành hợp lý trên cơ sở giữ được bản sắc và uy tín.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nang-tam-dai-hoc-dam-bao-hop-ly-co-cau-da-nganh-10298262.html