Ngày 14/6 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn làm Ngày Thế giới dành cho người hiến máu (Ngày Quốc tế người hiến máu, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu). Đây là dịp để kêu gọi các quốc gia, cộng đồng ghi nhận và tổ chức sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu, cho đi món quà quý giá nhất mà không đòi hỏi sự đền đáp. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, sự sống cho hàng triệu bệnh nhân mỗi năm.
Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại chương trình “Hiến máu và giữ thế giới cùng nhịp đập”. (Ảnh: TTXVN)
Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng
Máu là một loại thuốc đặc biệt mà hiện nay chưa có chế phẩm nào thay thế được. Theo ước tính, hàng năm, thế giới cần khoảng 130 triệu đơn vị máu phục vụ cho điều trị, cấp cứu và dự phòng thảm họa. Nhưng những năm gần đây, mỗi năm, toàn thế giới chỉ thu được hơn 80 triệu đơn vị máu (theo Tổ chức Y tế thế giới).Hai khó khăn lớn nhất đối với ngành Y tế thế giới trong truyền máu hiện nay là: Thiếu “nguồn” người hiến máu thường xuyên và an toàn truyền máu chưa được đảm bảo (do tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B rất cao…). Vì thế, để giải quyết hai khó khăn trên, ở tất cả các nước trên thế giới, vấn đề người hiến máu luôn được coi trọng và tập trung. Mục tiêu đặt ra là toàn bộ lượng máu thu được phải từ những người hiến máu tình nguyện. Họ là những người tình nguyện hiến máu hoặc các thành phần máu mà không có bất kỳ đòi hỏi nào từ phía người nhận máu, hiến máu không vụ lợi, không có sức ép và sẵn sàng cộng tác với các trung tâm truyền máu để đảm bảo an toàn cho người nhận máu. Họ hiến máu thường xuyên nên sẽ có kiến thức đầy đủ về an toàn truyền máu; đảm bảo sức khỏe và chất lượng máu trước khi hiến…
Tiến sỹ, bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam đã chia sẻ, chỉ có người hiến máu tình nguyện mới là người hiến máu an toàn. Chỉ có người hiến máu an toàn mới có được những đơn vị máu có chất lượng, an toàn phục vụ cho công tác điều trị người bệnh.Chính vì vậy, điều quan trọng đối với mọi quốc gia là cần phát triển một hệ thống hiến máu tự nguyện và thường xuyên để đáp ứng nhu cầu về máu vốn luôn đóng vai trò quan trọng. Điều cốt yếu là mỗi quốc gia có một nguồn dự trữ ổn định những người hiến máu “sạch” và sẵn sàng hiến thường xuyên.
Nhằm ghi nhận, cảm ơn và khuyến khích những người đã hiến máu tiếp tục hiến máu nhắc lại, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới thống nhất lấy ngày 14/6 là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu. Ngày này được lựa chọn để tưởng nhớ Giáo sư Karl Lendsteiner (người Áo, sinh ngày 14/6/1868). Ông là người đã khám phá ra nhóm máu ABO năm 1900 (đoạt giải Nobel y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới (truyền máu phải hòa hợp nhóm máu). Sau thành công của Ngày Thế giới dành cho người hiến máu năm 2004, các tổ chức trên đã thống nhất lấy ngày 14/6 hàng năm là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu.
Thông qua ngày này, những tổ chức trên kêu gọi các quốc gia, cộng đồng ghi nhận và tôn vinh hành động cao đẹp của những người đã từng hiến máu. Với toàn xã hội, họ có thể chỉ là những người bình thường, nhưng với người bệnh, họ thực sự là những người anh hùng vì đã đem tặng món quà vô giá – máu và thời gian dành để đi hiến máu, qua đó tiếp thêm hy vọng, sự sống cho hàng triệu người bệnh mỗi năm.
Hỗ trợ tốt hơn cho người hiến máu
Phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm 90 của thế kỷ XX. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện ngày 23/2/2008, công tác hiến máu tình nguyện trong toàn quốc ngày càng phát triển, từng bước đi vào ổn định. Lượng máu vận động và tiếp nhận được mỗi năm cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị người bệnh, nhất là trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng. Sản phẩm, chất lượng máu ngày càng được nâng cao theo các quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động và tiếp nhận máu. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực vào cuộc, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện các cấp; sự chung tay ủng hộ của toàn hệ thống chính trị, xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân, hàng năm, cả nước tiếp nhận trên 1,4 triệu đơn vị máu.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là đơn vị chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật trong công tác tiếp nhận máu, đồng thời là đơn vị khởi xướng hoạt động hiến máu tình nguyện. Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Hà Thanh cho rằng, vài năm gần đây, chúng ta không còn thiếu máu vào dịp hè và dịp Tết. Một phần là nhờ vào các chiến dịch vận động hiến máu mạnh như Hành trình Đỏ, Lễ hội Xuân hồng… Một phần là do đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong cộng đồng. Gần đây, rất nhiều người dân đã chủ động đến Viện và các điểm hiến máu cố định để hiến máu thường xuyên. Viện đang cố gắng nhân rộng các điểm hiến máu cố định ra cả nước để việc hiến máu được thuận tiện, gần gũi hơn với đông đảo người dân.
Để động viên, khuyến khích, tri ân người hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, ban hành các văn bản quy định rõ quyền lợi của người hiến máu tình nguyện, gần đây nhất là Thông tư số 17/2020/TT-BYT. Thông tư quy định rõ, người hiến máu tình nguyện được khám, tư vấn sức khỏe, kiểm tra một số xét nghiệm máu, xét nghiệm virus lây qua đường truyền máu (huyết sắc tố, viêm gan B, C, HIV…) miễn phí; được phục vụ bữa ăn nhẹ tại chỗ sau hiến máu; hỗ trợ chi phí đi lại (50.000 đồng/lần) và được lựa chọn quà tặng bằng hiện vật hoặc gói xét nghiệm máu; được tôn vinh, biểu dương theo quy định.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện lần thứ 25 mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, giá trị hỗ trợ trên hiện đang thấp so với tình hình đời sống thực tế. Cụ thể, Thông tư quy định suất ăn nhẹ cho người hiến máu là 30.000 đồng, với giá cả hiện nay, rất khó thực hiện để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, quy định hỗ trợ tiền đi lại cho người hiến máu tình nguyện hiện không quá 50.000 đồng/lần là quá thấp, cần điều chỉnh lên 70.000 đồng/lần hiến máu.
Hiện nay, người hiến máu tình nguyện không lấy tiền được nhận quà tặng là vật phẩm hoặc gói xét nghiệm máu có giá trị tùy theo mức độ máu hiến (250-350 và 450ml). Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nên thống nhất một mức chi quà tặng cho người hiến ở tất cả các mức độ.
Theo Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Hà Thanh, hiện nay, phong trào hiến máu đã bước vào giai đoạn bền vững. Do đó, việc tiếp cận ngang bằng của người hiến máu về thông tin, cơ hội hiến máu hay quà tặng… là rất cần thiết. Đây cũng là cách để đảm bảo người hiến máu là thực sự tự nguyện chứ không phải vì giá trị quà tặng. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định bồi hoàn máu cho người hiến máu tình nguyện tại các cơ sở y tế ngoài công lập để đảm bảo quyền lợi cho người hiến máu tình nguyện./.
Theo TTXVN