Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, chiều 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Điều hòa tài nguyên nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân vùng hạn
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư về dự án Luật là rất cần thiết. Song đại biểu băn khoăn quy định như dự thảo có dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường hay không. Việc quy định như vậy liệu có thể dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện hai lần công tác lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có hai bộ hồ sơ, gây tốn kém không cần thiết về chi phí làm thủ tục hành chính. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Về lấy ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể sẽ phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi đó, dự thảo lại chưa có quy định đủ rõ ràng về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước, cần lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó.
Tán thành việc cần thiết xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), song đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nếu chỉ căn cứ vào việc phù hợp với quy hoạch của địa phương là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác. Điều này nhằm đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cụ thể và chặt chẽ hơn thông qua các quy hoạch tổng thể, toàn diện của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương.
Nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này cần xác định xây dựng chính sách thật sự phù hợp để công tác quản lý tài nguyên nước thật sự hiệu quả, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cho rằng, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, đặc biệt là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước rất quan trọng để góp phần đảm bảo nhu cầu sản xuất và các nhu cầu thiết yếu của người dân vùng hạn. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 36 và Điều 37 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tuy nhiên, muốn thực hiện được hiệu quả trên thực tế, ngoài việc phải quy định về nguyên tắc, cách thức điều hòa, phân phối tài nguyên nước như dự thảo luật, cần phải quan tâm, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các quy định này.
“Các chính sách cần có mối liên kết chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau. Các quy định của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu đảm bảo thực hiện bởi nguồn lực thiết yếu từ chính sách như Chiến lược về quy hoạch đầu tư, về vấn đề xây dựng, bố trí và phân bổ vốn phù hợp, kịp thời”, đại biểu Chamaléa Thị Thủy nêu ý kiến.
Góp ý về dự thảo Luật Tài nguyên nước tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu ra nhiều vấn đề then chốt; đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích từ ngữ để người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, thực hiện. Theo đại biểu, vai trò của chính quyền các địa phương trong quản lý, phục hồi nguồn nước, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước cần được bổ sung làm rõ.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Lệ băn khoăn về thẩm quyền ban hành quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đề nghị phân định rõ trường hợp nào UBND tỉnh ban hành, trường hợp nào thuộc thẩm quyền Trung ương, hướng tới mục tiêu “đảm bảo hiệu quả sử dụng nước cao nhất, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên, các địa phương có liên quan”…
Khắc phục hậu quả, tác hại, phục hồi các tài nguyên nước
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Cơ quan soạn thảo “sẽ tiếp thu một cách tối đa nhất, đảm bảo luật chúng ta có được tốt nhất để trình Quốc hội trong tháng 10 của kỳ họp sau”.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là đảm bảo về an ninh nguồn nước. Trong dự thảo luật sẽ rà soát để có giải pháp về tiết kiệm nước, sử dụng nước và sử dụng khoa học cách quản trị về tuần hoàn nước.
“Chúng ta phải giữ được nước. Chúng ta bị hạn hán, thiếu nước về mùa khô, bị lũ vào mùa mưa nên việc điều tiết, quản lý, sử dụng nước đảm bảo hiệu quả là rất quan trọng”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Làm rõ thêm các nội dung liên quan đến phục hồi tài nguyên nước mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ cố gắng cùng các địa phương, cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, tác hại, phục hồi tài nguyên nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chức năng về phòng, chống, thoát lũ, chứa lũ để điều hòa chống úng, chống ngập đô thị, lũ ở các địa phương, ở các dòng sông.
Theo TTXVN/Báo Tin tức