Một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng đối với nữ công nhân là đảm bảo chăm sóc con cái, đặc biệt là các em nhỏ ở độ tuổi mầm non. Khi các nữ công nhân phải làm việc xa gia đình hoặc không có người thân chăm sóc, vấn đề an toàn và giáo dục cho trẻ nhỏ trở thành một thách thức lớn.
Số lượng cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, các khu công nghiệp và khu chế xuất đang trở thành trung tâm của nền kinh tế với lực lượng lao động chủ yếu là công nhân, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao. Các gia đình công nhân nhập cư chủ yếu sống trong các nhà trọ, thiếu nhà trẻ, lớp học gần nơi sinh sống và làm việc. Thu nhập thấp, cha mẹ là công nhân nhập cư khiến việc lựa chọn trường lớp cho con gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động (CNLĐ) theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP, hiện nay đã có 50 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân quy định chi tiết mức trợ cấp đối với trẻ em là con CNLĐ. Đa số các tỉnh thực hiện theo mức tối thiểu quy định tại Nghị định là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Các tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn là: Bình Định (300.000 đồng/trẻ/tháng); Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu (240.000 đồng/trẻ/tháng) Vĩnh Phúc (220.000 đồng/trẻ/tháng); Hải Phòng, Đà Nẵng (200.000 đồng/trẻ/tháng).
Cơ sở vật chất trường, lớp mầm non tiếp tục được các cấp chính quyền và địa phương quan tâm đầu tư hàng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành có đông khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Song, trên thực tế, hiện nay số lượng các trường mầm non, mẫu giáo, nơi chăm sóc nuôi dạy trẻ hiện tại trên địa bàn các tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân có con trong độ tuổi gửi trẻ do số lượng các cháu ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, một bộ phận lớn các nữ công nhân có thu nhập không cao, không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ giữ trẻ tư thục chất lượng cao.
Là một trong những doanh nghiệp có trường mầm non chăm sóc cho con em công nhân, bà Vũ Thị Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non May 10 (thuộc Tổng Công ty May 10 – CTCP) – cho biết: Trường nằm trong khuôn viên Tổng Công ty nên thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con, yên tâm công tác. Nhà trường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi (sau khi mẹ hết thời gian nghỉ thai sản), dạy trẻ 6 ngày/tuần, đón trẻ trước 7 giờ và trả muộn sau 18 giờ, học cả thứ Bảy và học hè mà không thu thêm tiền học phí của phụ huynh. Ngoài ra, các cháu là con cán bộ, công nhân lao động May 10 được hỗ trợ 30% học phí cho mỗi trẻ/tháng.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong quá trình vận hành trường mầm non đặc biệt này, song Trường Mầm non May 10 còn gặp không ít khó khăn như: Việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất trong nhà trường gặp khó khăn; trẻ đa phần là con cán bộ, nhân viên Tổng Công ty, phụ huynh ở những tỉnh xa về phải thuê nhà, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày; việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên còn khó khăn do sự e ngại về tính ổn định khi làm việc trong môi trường tư thục…
Tương tự, tỉnh Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non, đặc biệt là các trường, lớp mầm non trong khu công nghiệp như: Hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp còn gặp không ít vướng mắc về các điều kiện xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất, thiếu giáo viên đảm bảo quy định…
Cần có chính sách quyết liệt ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất
Theo bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng, kiểm tra giám sát chính sách pháp luật về lao động nữ như: Thí điểm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, lao động; tham gia các chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo; tham gia đối thoại, thương lượng đưa vào Thỏa ước lao động tập thể nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ, trong đó có thương lượng hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con người lao động; triển khai mô hình tập hợp nữ công nhân lao động ở các khu nhà trọ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con công nhân, viên chức, lao động tiếp tục được triển khai, đặc biệt tuyên truyền chính sách về nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ các khu công nghiệp có chuyển biến tích cực. Năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu để ban hành Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con giai đoạn 2023 – 2028” với mục tiêu làm được nhiều nhất có thể để hỗ trợ CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chăm sóc, nuôi dạy con, hạn chế tình trạng con phải gửi về quê, không được ở gần cha mẹ.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Vân, trong những năm gần đây, tại các cuộc làm việc định kỳ hằng năm với Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị về chính sách nhà trẻ mẫu giáo dành cho con CNLĐ đều nhận được sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo và cụ thể bằng các chính sách ngày càng thiết thực hơn với người lao động. Những nỗ lực đó cho thấy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân, viên chức lao động, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Công đoàn với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em là con của đoàn viên, người lao động nói riêng.
Để giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra, góp phần giảm bớt khó khăn cho công nhân, người lao động, nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi nhiều giải pháp cụ thể từ các cấp, các ngành.
Theo đó, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa với những doanh nghiệp có đa số lao động là nữ. Hiện nay các trường mầm non thuộc các doanh nghiệp rất ít, vì vậy cần có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ giáo viên, nhân viên, cũng như chế độ ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho trẻ có bố mẹ làm trong doanh nghiệp có lao động đa phần là nữ; bổ sung thêm chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường mầm non của doanh nghiệp để họ yên tâm công tác…
Đặc biệt, cần tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận; triển khai nhân rộng các mô hình giáo dục mầm non chất lượng, hiệu quả tại địa bàn các khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dam-bao-giao-duc-mam-non-cho-con-cua-nu-cong-nhan-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-20241128165513819.htm