Sở Y tế Hà Nội yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế đã có Văn bản 6069/SYT-NVD gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế; phòng y tế, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ảnh minh họa |
Hà Nội yêu cầu các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chủ động trong công tác lập kế hoạch đấu thầu, mua sắm, dự trữ thuốc, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch (đặc biệt các dịch bệnh xảy ra mùa Đông – Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa…) và nhu cầu khám, chữa bệnh trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Cơ quan này cũng lưu ý các đơn vị không được để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá hợp lý.
Sở Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24h để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trong những ngày nghỉ Tết.
Đối với các nhà thuốc hoặc quầy thuốc trong khuôn viên bệnh viện, cần tổ chức bán thuốc ban đêm; trực bán thuốc 24/24h, không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố chủ động kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, cung ứng đủ thuốc theo đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được đầu cơ hoặc lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc.
Các doanh nghiệp kinh doanh có hệ thống bán lẻ thuốc cần tổ chức địa điểm trực bán thuốc 24/24h trong những ngày nghỉ Tết và gửi danh sách về Sở Y tế Hà Nội trước ngày 25/12/2024 để Sở Y tế công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược, các quy định về kinh doanh thuốc và mỹ phẩm với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các hành vi găm hàng, tăng giá… và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.
Về ung cứng thuốc, vừa qua, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với nhiều chính sách đột phá, từ chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đến việc hỗ trợ phát triển chuỗi nhà thuốc và kinh doanh dược trực tuyến. Đây là cơ hội để ngành dược phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cộng đồng.
Luật tập trung vào việc cải thiện chính sách của Nhà nước về dược, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn.
Các quy định bổ sung bao gồm việc ưu đãi thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu thuốc, khuyến khích đầu tư nghiên cứu sản xuất thuốc và nguyên liệu.
Đặc biệt, chuyển đổi số và áp dụng ưu đãi cho các dự án trong lĩnh vực dược được nhấn mạnh. Luật cũng tạo hành lang pháp lý cho các hình thức kinh doanh hiện đại như chuỗi nhà thuốc và thương mại điện tử trong ngành dược phẩm.
Các quy định chi tiết về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh, từ việc luân chuyển thuốc, nhân sự giữa các nhà thuốc trong chuỗi, đến kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, giúp đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với xu thế.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, Luật Dược (sửa đổi) còn mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, cho phép cung cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế đặc thù và cơ sở khám chữa bệnh nhằm phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt.
Luật cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký lưu hành thuốc, giảm thiểu cấp số trùng lặp và có quy định đặc thù để đáp ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.
Một điểm quan trọng là việc quản lý giá thuốc theo hướng công bố giá bán buôn, giúp kiểm soát chặt chẽ các tầng nấc trung gian, mang lại giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Những điểm mới này không chỉ giải quyết bất cập trong quản lý ngành dược, mà còn tạo cơ hội để ngành dược Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thuốc chất lượng, an toàn và hiệu quả với giá cả hợp lý cho cộng đồng.
“Luật Dược (sửa đổi) đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho người bệnh, giúp họ dễ dàng tiếp cận thuốc chất lượng với giá cả hợp lý và an tâm hơn khi sử dụng”, ông Cường nêu.
Các chuyên gia đánh giá, Luật Dược (sửa đổi) sẽ giúp giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý dược, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn, giúp doanh nghiệp yên tâm và vững tin hoạt động.
Cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng tin tưởng, Luật Dược (sửa đổi) sẽ giải quyết nguy cơ đứt nguồn cung thuốc, cải thiện mạnh mẽ môi trường hoạt động của ngành trong trung và dài hạn, thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Nguồn: https://baodautu.vn/dam-bao-du-thuoc-cho-nhu-cau-su-dung-trong-dip-tet-d231849.html