STO – Sáng ngày 27/6, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Định hướng công tác chất lượng, chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm sản, thủy sản”. Dự tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Trần Trọng Khiêm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng; lãnh đạo đơn vị liên quan trực thuộc sở.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU
Giai đoạn 2021 – 2023, mặc dù thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện và tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách về chất lượng an toàn thực phẩm theo hướng cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn và hài hòa với chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm sản, giai đoạn 2020 – 2030; Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm sản, thủy sản đến năm 2030; kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp hàng năm… nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tổ chức hơn 9.000 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm để phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm cho hơn 325.000 lượt cán bộ, doanh nghiệp, người dân. Sản xuất trên 58.000 tin, bài đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các địa phương; sản xuất và phát 1 triệu tờ rơi, áp phích truyền thông về các biện pháp đảm bảo sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, thủy sản chất lượng an toàn.
Đối với công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lấy 8.164 mẫu nông lâm sản thủy sản sau thu hoạch để giám sát, phát hiện 183 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, bộ đã xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với 151.776ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP; 9.852 sản phẩm đạt các sao OCOP…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm sản, thủy sản và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản phát triển thị trường xuất khẩu, định hướng tới của ngành Nông nghiệp là sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững. Hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến, bảo quản nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
THÚY LIỄU