Công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất và đời sống dân sinh. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, bước vào mùa mưa bão hàng năm, các địa phương, đơn vị đã xây dựng nhiều phương án, tập trung rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn.
Hồ Cao Vân là nguồn cung cấp nước ngọt, phục vụ sản lượng nước sinh hoạt lớn nhất tỉnh, đáp ứng cho 2 thành phố lớn là Hạ Long và Cẩm Phả. Do vậy, việc kiểm soát đảm bảo an toàn hồ đập tại đây luôn được chú trọng. Tất cả được trang bị thiết bị quan trắc tự động, thể hiện thông số kỹ thuật về dòng nước đến, mực nước dâng trong hồ nhằm quản lý đảm bảo an toàn lòng hồ. Các thông số kỹ thuật được thiết bị quan trắc tự động gửi về trạm bơm. Lượng nước lòng hồ, lượng nước thấm qua thân đập, đặc biệt là thời điểm mùa lũ, sự dịch chuyển của thân đập… được đo bằng thiết bị cảm biến tự động. Tình trạng an toàn của hồ luôn được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài hồ Cao Vân, có 5/22 đập, hồ chứa nước lớn trên địa bàn đã có hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du. Qua đó, đã theo dõi được mực nước cao nhất trong hồ chứa nước; dòng chảy lũ lớn nhất về hồ chứa nước, thời gian xuất hiện, lưu lượng đỉnh lũ, tổng lượng lũ. Đối với các đập, hồ chứa nước còn lại tuy chưa theo dõi được đầy đủ các thông tin theo quy định nhưng cũng đã theo dõi được lượng mưa, mực nước, diễn biến công trình của các hồ chứa nước.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 188 đập, hồ chứa nước, trong đó hiện có 176 đập, hồ chứa thủy lợi đang hoạt động và đang trong giai đoạn thi công chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Theo phân cấp quản lý, khai thác bảo vệ, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi được giao quản lý hầu hết các công trình có quy mô lớn, bao gồm 68 công trình (trong đó 46 hồ chứa, 11 trạm bơm, 11 đập dâng) và khoảng 630km kênh các loại, đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho trên 31.527,0ha sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô trên 30,0 triệu m3 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp. UBND cấp huyện được giao quản lý 607 công trình có quy mô vừa và nhỏ (trong đó 134 hồ chứa, 90 trạm bơm, 383 đập dâng), phục vụ sản xuất cho 22.842ha sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, đến nay có 4/6 đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định đã được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du. Riêng 2 đập, hồ chứa thủy lợi có tràn tự do là Khe Chè, Quất Đông đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành (thuộc dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập tỉnh Quảng Ninh (WB8)); 2/16 đập, hồ chứa thủy lợi đã được lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du; thực hiện cắm mốc bảo vệ đối với 39/62 đập, hồ chứa thủy lợi; 53/148 đập, hồ chứa thủy lợi đã có phương án bảo vệ đập; 11/148 đập, hồ chứa thủy lợi đã có phương án ứng phó khẩn cấp và bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập được phê duyệt, 35/148 đập, hồ chứa thủy lợi đã được phê duyệt đề cương và dự toán xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp và đang triển khai thực hiện…
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị vận hành hồ chứa chủ động, đúng quy trình, không để xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Bên cạnh đó, tổng hợp các nguồn lực, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi như: Hồ chứa nước Khe Tâm huyện Ba Chẽ; Cải tạo, nâng cấp kênh mương xã Dương Huy và Cộng Hòa, TP Cẩm Phả; Sửa chữa, khắc phục sự cố đoạn kênh N2B hệ thống kênh hồ Yên Lập; Nâng cấp, mở rộng hồ chứa nước C22, huyện Cô Tô; Hệ thống đường ống cấp nước hồ chứa Khe Giữa, TP Cẩm Phả…
Mới đây, các địa phương và các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã tích cực, khẩn trương triển khai kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2023. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa phần các hồ chứa nước vừa và lớn trên địa bàn tỉnh cơ bản đang hoạt động bình thường, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm nay, tuy nhiên có một số công trình xuống cấp, hư hỏng nặng, cần sớm được quan tâm khắc phục. Hiện có 4 đập bị thấm, trong đó đập của hồ Khe Bòng có hiện tượng thấm nặng; 2 tràn xả lũ bị nứt nặng, thiếu khả năng xả lũ (hồ Yên Dưỡng, Tân Yên); 1 cống bị hư hỏng thân nặng (hồ Tân Yên)…
Để nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị quan trắc công trình và quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; ban hành định mức dự toán cho công tác lập quy trình vận hành công trình thủy lợi; định mức dự toán xây dựng phương án ứng phó với trường hợp khẩn cấp. Sở cũng kiến nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2025; chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt đối với đập, hồ chứa thủy lợi; quan tâm, bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước đã bị xuống cấp…