Đà Nẵng: Đảm bảo an ninh nguồn nước
Trong 10 năm qua, tại TP. Đà Nẵng đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ và trên diện rộng. Tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu hiện nay cho người dân Đà Nẵng, những ngày nước bị nhiễm mặn, độ mặn trung bình vượt hơn 1.000mg/l, thậm chí độ mặn đo được ngày 28/7/2015 lên đến 13.580mg/l, vượt xa ngưỡng an toàn của nước sinh hoạt. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sạch của thành phố.
Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy nước Hòa Liên (giai đoạn I) có công suất 120.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Giai đoạn II, công suất nhà máy sẽ đạt mức 240.000 m3/ngày, với mục tiêu bổ sung nguồn nước sạch cho các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và các xã phía bắc của huyện Hòa Vang. Sau này, khi nâng công suất dự án Nhà máy nước Hòa Liên lên 240.000m³/ngày đêm, sẽ tập trung xây dựng một hồ chứa lớn trên sông Bắc để cấp nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên vào mùa hè.
Bên cạnh đó, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) hoàn thành lắp đặt trạm bơm và tuyến ống mới chuyển tải nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ thuộc dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm.
Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, hiện nay công suất cấp nước theo thiết kế của các nhà máy nước, trạm cấp nước do Dawaco quản lý hiện nay là 352.000 m3/ngày đêm. Tính thêm Nhà máy nước Hòa Liên thì tổng công suất cấp nước theo thiết kế của toàn thành phố là 472.000 m3/ngày đêm. Trong trường hợp nhu cầu sử dụng nước gia tăng, Nhà máy nước Cầu Đỏ có thể hoạt động vượt tải thêm 15% công suất. Đến năm 2029, Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ được đầu tư nâng công suất thêm 100.000 m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của thành phố từ năm 2030, nâng tổng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ vào năm 2030 là 390.000 m3/ngày đêm.
Hướng đến bảo vệ an toàn nguồn nước, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND về việc phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê thuộc Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Theo đó, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt là toàn bộ khu vực lòng hồ trùng với hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa (tương ứng với cao trình đỉnh đập).Với quyết định này, càng có cơ sở để Đà Nẵng thực hiện nghiêm quy định bảo vệ vệ sinh môi trường sông Cu Đê góp phần giữ vững an ninh nguồn nước theo quy hoạch đến năm 2050 sẽ là nhà máy thứ 2 đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh, đơn vị đã công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê thuộc Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Bảo vệ sông Cu Đê, sông nội tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và vô cùng cấp bách. Các giải pháp, hành động cụ thể của địa phương trong việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê, kho dự trữ nguồn nước của thành phố Đà Nẵng được triển khai trong thời gian đến là bảo vệ rừng đầu nguồn; bảo về lưu vực đầu nguồn nước sông Cu Đê; đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải phát sinh các khu dân cư dọc sông; tiếp tục triển khai các dự án trồng rừng thay thế ở các tiểu khu trên địa bàn xã Hòa Bắc và các dự án kè các khu vực có nguy cơ sạt lở…
Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước sạch trên toàn thành phố theo từng giai đoạn cụ thể và kịp thời đề xuất UBND thành phố triển khai đầu tư nhà máy nước vào thời điểm thích hợp, bảo đảm mục tiêu cung cấp nước sạch an toàn, ổn định trên toàn thành phố trong giai đoạn hiện tại cũng như tương lai.
Theo quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đến năm 2030 nhu cầu dùng nước sạch ngày cao nhất của Đà Nẵng là hơn 801 nghìn mét khối, tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của hệ thống cấp nước thành phố cuối năm 2022 chỉ mới đạt 210.000 m3/ngày.