Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, phân bón xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong nông nghiệp hiện đại. Không chỉ giúp cải thiện đất trồng và bảo vệ hệ sinh thái, phân bón xanh còn có tác động tích cực đến chất lượng nông sản và sức khỏe con người.
Phân bón xanh là loại phân bón thân thiện với môi trường, giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất và cây trồng mà không gây hại đến sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái. Phân bón xanh bao gồm các loại phân hữu cơ, phân vi sinh và phân sinh học, có nguồn gốc tự nhiên hoặc được sản xuất theo công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa hóa chất độc hại.
Lợi ích của việc sử dụng phân bón xanh.
Trước tiên, phân bón xanh giúp cải thiện chất lượng đất, làm cho đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ ẩm và hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đất canh tác đang bị suy thoái nghiêm trọng do việc sử dụng quá mức phân bón hóa học. Việc giảm lạm dụng phân bón hóa học giúp tăng cường sức đề kháng cho cây trồng, giúp cây chống chịu tốt hơn với sâu bệnh và thích ứng được với điều kiện bất lợi của môi trường. Sử dụng phân bón xanh là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bởi loại phân bón này giúp giảm lượng hóa chất độc hại thấm vào đất, nước và không khí, từ đó bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp. Việc sử dụng phân bón vi sinh có các chủng vi khuẩn cố định đạm, phân giải lân còn giúp cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây, cân bằng hệ vi sinh vật trong đất, cải thiện chất lượng đất trồng.
Nông sản được trồng bằng phân bón xanh thường có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, ít tồn dư hóa chất và có hương vị tự nhiên. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch mà còn góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của nông sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tiếp cận các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn so với phân bón hóa học, nhưng về lâu dài, phân bón xanh giúp nông dân tiết kiệm chi phí do không phải phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật đắt đỏ, duy trì độ màu mỡ của đất và giảm nhu cầu sử dụng các loại phân bón bổ sung. Ngoài ra, nhờ cải thiện chất lượng đất, năng suất cây trồng được duy trì ổn định, đảm bảo lợi nhuận bền vững.
Sử dụng phân bón xanh không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho người nông dân mà còn mang đến cho người dùng nguồn lương thực chất lượng, giàu dinh dưỡng. Người nông dân khi tiếp xúc với phân bón xanh cũng giảm rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thói quen lãng phí và sử dụng bừa bãi trong việc dùng đạm hóa học khiến dư thừa nitrat trong nông sản. Nitrat trong cơ thể con người được chuyển hóa thành nitrit. Nitrit dễ dàng phản ứng với amin tạo thành nitrosamin, một chất gây ung thư. Để hạn chế nitrat trong sản phẩm cây trồng, theo các chuyên gia, người tiêu dùng không thể làm sạch nó bằng cách rửa, gọt vỏ hay sục rửa, vì nitrat đã ngấm vào các tế bào thực vật nên chỉ còn cách phát hiện dư lượng vượt quá ngưỡng cho phép để không sử dụng hoặc giảm bớt lượng tránh nguy hại cho cơ thể. Vì vậy, việc ưu tiên các loại phân bón xanh là giải pháp toàn diện cho người nông dân.
Xu hướng “xanh hóa” phân bón tại Việt Nam
Nhìn thấy được tầm quan trọng của phân bón xanh, chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết sản xuất xanh là xu thế tất yếu, không chỉ có ngành phân bón, ngành hóa chất nói chung hoặc là phân bón nói riêng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm ra những quy định và chỉnh sửa các quy định liên quan cho phù hợp giúp các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả, khả thi nhất. Bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo cũng như triển khai các nhiệm vụ liên quan được giao trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường nói chung, các nội dung liên quan như phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Điển hình như Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam luôn tập trung cải tiến thiết bị máy móc, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất để cung ứng cho thị trường các sản phẩm mới hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Đến nay, sản phẩm phân bón hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P của công ty được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật, sản phẩm NPK hạt nhỏ giúp cây trồng dễ hấp thu các chất dinh dưỡng, hạn chế thất thoát phân bón trong điều kiện thời tiết cực đoan, sản phẩm Lân đáp ứng nhu cầu sử dụng cho vùng đất nhiễm phèn nặng (đất có độ pH thấp).
Bà con nông dẫn cũng đã ý thức được tầm quan trọng của sử dụng phân bón xanh trong trồng trọt bằng một số cách như tự ủ phân, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón,…Mới đây, Hội Nông dân Thành phố Đà Lạt đã triển khai một trong những mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp đầu tiên tại khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung ở Phường 9, thành phố Đà Lạt với diện tích 3.000 m2. Trong đó, hộ nông dân chuyên canh trồng dâu tây chất lượng cao đã hơn 5 năm qua, hàng tháng cắt bỏ hàng trăm ký lá dâu dồn vào một góc vườn để tự hủy.
Tuy nhiên, việc phát triển phân bón xanh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Chẳng hạn như chi phí đầu tư lớn, giá thành cao, cơ chế và chính sách còn chưa cụ thể, rõ ràng hay việc áp dụng còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Điều này cho thấy doanh nghiệp và người nông dân cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà nước để tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài trợ cho các dự án xanh hóa.
Phân bón xanh không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu trong ngành nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng phân bón xanh rộng rãi không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nông sản mà còn là giải pháp toàn diện hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững. Đây là thời điểm thích hợp để nhà nước, nhà sản xuất, doanh nghiệp và nông dân cùng chung tay phát triển phân bón xanh, vì một tương lai nông nghiệp bền vững, an toàn và hiệu quả.
Nguồn: https://baodaknong.vn/phan-bon-xanh-xu-huong-tat-yeu-de-xay-dung-mot-nen-nong-nghiep-ben-vung-242215.html