TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đã thống nhất phương án xây dựng tuyến đường gần 50km, trong đó chiều dài đoạn tuyến qua địa phận Thủ đô hơn 28km kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với trung tâm thành phố.
Văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 57/TB-VP kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thành phố Hà Nội trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, phối hợp với tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải-TEDI (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nghiên cứu phương án) nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường.
UBND TP Hà Nội cơ bản thống nhất về phương án tuyến kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm thành phố (đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội-phương án 1 theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc).
Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến Bắc Ninh-Hà Nội 49,52km, trong đó chiều dài đoạn tuyến qua địa phận Hà Nội 28,58km, gồm 8,06km đoạn tuyến làm mới và đoạn đi trùng cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên/vành đai 3, đường cầu Tứ Liên dài khoảng 20,54km..
Dự án đồng bộ với định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với mạng lưới các tuyến đường giao thông đã được xác định trong các đồ án quy hoạch được duyệt như Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên-Vĩnh Tuy-Vành đai 2, đường Hà Huy Tập…
UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất toàn tuyến từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố Hà Nội có quy mô mặt cắt tuyến 100-120m (lựa chọn 120m để phù hợp với quy mô tỉnh Bắc Ninh dự kiến điều chỉnh 142m về 120m) và mở rộng nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên đường từ 300-400m.
Đặc biệt, hai tỉnh/thành phố thống nhất đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố Hà Nội (đoạn trên địa bàn Hà Nội).
Trước đó thực hiện chỉ đạo của Trung ương về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – TEDI nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường.
Sân bay Gia Bình nằm tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, diện tích khoảng 125 ha, đã được Bộ Công an khởi công xây dựng vào đầu tháng 12/2024, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Đây sẽ là sân bay trực thăng cấp 3, quân sự cấp 3, dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định điều chỉnh sân bay Gia Bình thành cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4E, diện tích đất dự kiến khoảng 363,5 ha.
Theo đó, tới năm 2030, sân bay Gia Bình sẽ có công suất thiết kế dự kiến khoảng 1 triệu hành khách/năm và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 3 triệu hành khách/năm. Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 17.682 tỷ đồng giai đoạn từ 2021 – 2030 và khoảng 12.083 tỷ đồng tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Gia Bình bên cạnh chức năng chính là căn cứ của Trung đoàn Không quân Công an nhân dân còn được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư với mục tiêu dự bị cho các sân bay trong khu vực khi đủ điều kiện.
Việc nâng cấp sân bay Gia Bình thành cảng hàng không quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất thương mại, thương mại điện tử, vận tải hàng hóa và phát triển các trung tâm logistics, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Khi chuyển thành cảng hàng không quốc tế, cảng này đảm bảo đáp ứng hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, làm việc tại các địa phương và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; bảo đảm việc tiếp nhận, phục vụ tất cả các chuyên cơ của nguyên thủ các quốc gia khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Trong những trường hợp cần thiết, cảng hàng không Gia Bình có thể phục vụ các hoạt động bay liên quan đến cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn…
Nguồn: https://baodaknong.vn/xay-dung-tuyen-duong-ket-noi-trung-tam-ha-noi-voi-san-bay-gia-binh-243136.html