Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+)
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 8/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại Thụy Sĩ-châu Á, Quỹ đầu tư tài chính Bellecapital, tổ chức Keep It Beautiful Vietnam (KIBV) và Hội Chuyên gia Trí thức Việt Nam tại Thụy Sĩ (AIEVS) tổ chức cuộc tọa đàm hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ về Thương mại, Đầu tư và Công nghệ (Ngày Việt Nam 2023-VietnamDay2023).
Sự kiện diễn ra tại thành phố Zurich đã thu hút sự tham dự của 150 đại biểu đại diện các cơ quan bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế, quỹ đầu tư tài chính và các doanh nghiệp của Thụy Sĩ và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long nhấn mạnh sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, thách thức và cơ hội đan xen, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ đều mong muốn và thống nhất cần sớm đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới, trên nền tảng của sự tin cậy lẫn nhau và chia sẻ những giá trị chung về hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trong khi đó, nhân dịp đoàn lãnh đạo cấp cao của thành phố Hà Nội đang có chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sĩ, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đã phát biểu, đánh giá cao Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế với sáng kiến phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam cùng các đối tác Thụy Sĩ và Việt Nam tổ chức sự kiện.
Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, với thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm của các doanh nghiệp Thụy Sĩ, dư địa cho hợp tác kinh tế giữa hai nước đặc biệt lớn, nhất là tại Hà Nội – Trung tâm Kinh tế, Nghiên cứu Phát triển, Đổi mới Sáng tạo, Công nghệ Cao, Công nghệ Số, Đô thị Thông minh, Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn…
Cũng tại phiên khai mạc, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nhấn mạnh quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong 52 năm qua, không chỉ trong lĩnh vực chính trị và hợp tác đa phương, mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật, thương mại, đầu tư, nghiên cứu khoa học, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.
Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước đã tạo tiền đề cho quan hệ thương mại và đầu tư không ngừng được củng cố.
Ngay sau các phát biểu, cuộc tọa đàm diễn ra nhiều phiên thảo luận, với các nội dung về thúc đẩy hợp tác song phương, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tham dự phiên đầu tiên, Tiến sỹ Philipp Roesler-Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Zurich, cùng Đại sứ Markus Schlagenhof, Đại diện của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ, bà Angela Rosa, Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Thụy Sĩ toàn cầu, và ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, đã trao đổi, thảo luận về chính sách, ưu tiên, cơ hội và thách thức trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời đề xuất một số sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước và giải quyết các rào cản tiềm năng.
Các đại biểu tại Hội đàm. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+)
Trong phiên thứ 2 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, nhiều câu hỏi đặt ra cho các diễn giả về các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hướng ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là với thị trường Thụy Sĩ.
Tiến sỹ Quý Vo-Reinhard, người đang làm việc tại tổ chức Health Foundations, đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình về quá trình khởi nghiệp tại châu Âu.
Trong khi đó, bà Aliya Das Gupta, chuyên gia Ngân hàng điện tử Sygnum, trao đổi về tầm quan trọng của hợp tác và đổi mới công nghệ tài chính trong việc định hình một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm đổi mới.
Trong phiên thảo luận cuối cùng về đầu tư, ông Đặng Khánh Linh, lãnh đạo Vụ Tổng hợp Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao đã thông tin về chính sách của Việt Nam thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên kết kinh tế nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Trong khi đó, ông Phạm Lưu Hưng, chuyên gia kinh tế của công ty SSI, đã trao đổi các xu hướng kinh tế, tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam và những lĩnh vực, ngành nghề mà dòng vốn ngoại với mức đóng góp lớn hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang đổ vào chứng khoán Việt Nam.
Về phần mình, ông Thomas Erdmann, quan chức cấp cao của Quỹ Tài sản, Giải pháp đầu tư và bền vững của tập đoàn UBS, đã chia sẻ đánh giá về các cơ hội đầu tư bền vững và xanh tại Việt Nam từ góc độ chuyên gia của một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ.
Ông cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển các dự án đầu tư bền vững. Do đó, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững của Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài./.