Chia sẻ với báo chí, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC kỳ vọng, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay. Trước đó, HSBC đánh giá, Việt Nam có cơ sở để đặt ra kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%.
“Ngôi sao” tăng trưởng trong khối ASEAN
Cách đây chưa lâu, nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố báo cáo nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô một năm qua cũng như điểm qua triển vọng cho năm 2025 sắp tới.
Chuyên gia HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm kinh tế với nhiều nốt thăng trầm. Sau khởi đầu khó khăn trong quý I/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một “ngôi sao” tăng trưởng trong khối ASEAN.
Cụ thể, tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm sau.
HSBC đánh giá, Việt Nam có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan toả ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.
Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III/2024, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%. Ngoài ra, HSBC duy trì dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với năm 2025, HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0%.
Bên cạnh các dự báo tích cực, HSBC đã đưa ra những rủi ro mà kinh tế Việt Nam có thể đối diện trong năm 2025.
Ngoài giá năng lượng toàn cầu, theo HSBC, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Hay là những rủi ro liên quan đến thuế quan khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025 tới.
Nhu cầu hàng hóa cải thiện đến đâu sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi, vì thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng các thị trường này, HSBC khuyến cáo.
Ngân hàng này nhận định, còn quá sớm để đánh giá tác động cụ thể từ những chính sách của chính quyền ông Trump. Tuy nhiên bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau, theo nhóm chuyên gia.
Với ý định áp thuế phổ quát 10-20% lên tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ của ông Trump, các nhà xuất khẩu một số mặt hàng trong nước có thể gặp khó trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu chính sách này được thực thi.
Ví dụ, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam đến Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt hơn 40% và 33%. Châu Âu là thị trường lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng khó hấp thụ hoàn toàn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua việc sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, rủi ro từ tỷ giá có thể tái diễn là vấn đề mà HSBC cho rằng đáng lưu tâm. Việt Nam từng bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” tháng 12/2020, trước khi được xóa khỏi danh sách vào tháng 4/2021. Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ, tức cần theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại.
Diễn biến của USD cũng là yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới. Với phục hồi chưa đồng đều và mục tiêu tăng trưởng năm sau cao, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối 2025.
Tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2025?
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Yun Liu nhận định, Việt Nam đã khởi đầu năm 2025 với một nền tảng khá vững chắc. Ba yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay bao gồm thương mại, FDI và đầu tư công.
Chuyên gia kinh tế HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 mặc dù phải đối mặt với một số rủi ro đối với tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại do Việt Nam có một nền kinh tế mở hơn và phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu.
“Chúng tôi nhận thấy có khá nhiều bất ổn trong thương mại toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến chính sách thuế quan của chính quyền mới tại Hoa Kỳ. Dù vậy, vẫn có những yếu tố thuận lợi, chẳng hạn như triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiêu dùng trong nước phục hồi sau những tác động bất ngờ. Vì vậy, tôi cho rằng năm 2025 của Việt Nam sẽ đầy thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội”, bà Yun Liu chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế HSBC, câu chuyện về FDI thực sự là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua. Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và có động lực tốt để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Trong những năm tới, mục tiêu của Việt Nam là vươn lên trong chuỗi giá trị, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và ổn định hơn cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước phục hồi chậm hơn so với sự phục hồi chung của nền kinh tế trong hai năm qua. Tuy nhiên, chuyên gia HSBC hy vọng, năm nay, tiêu dùng nội địa sẽ bắt kịp với đà tăng trưởng của thương mại, từ đó tạo ra những động lực cần thiết để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
HSBC hoan nghênh một số chính sách rất đáng khích lệ từ phía Chính phủ, trong đó có việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% thêm 6 tháng đầu năm 2025. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ là việc Chính phủ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt trong việc duy trì tăng trưởng.
Đề cập tới tiềm năng dài hạn của thị trường vốn Việt Nam, bà Yun Liu cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Hiện tại, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng để huy động vốn, điều này có thể làm gia tăng rủi ro khi điều kiện kinh tế suy yếu. Vì vậy, việc phát triển và cải thiện thị trường vốn là rất quan trọng, đặc biệt trong việc đa dạng hóa và mở rộng các kênh huy động vốn. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu tài chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư hy vọng khai mở thị trường vốn Việt Nam thông qua việc nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/viet-nam-tang-truong-nhanh-nhat-asean-trong-nam-2025-243030.html