Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì Hội nghị trực tuyến về CĐS với các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ trì tại điểm cầu Đắk Nông có các đồng chí: UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến; UVBTV, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Liêm; TUV, Giám đốc Sở TT-TT Trần Văn Thương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó có CĐS. Ai nắm bắt được thì sẽ đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng khẳng định, CĐS đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. CĐS đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế, xã hội.
Thủ tướng yêu cầu CĐS toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Trong đó, chú trọng tới xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong thế giới đầy biến động hiện nay.
Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2022, chỉ số EGDI của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 86/193 quốc gia, không tăng bậc so với xếp hạng năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 9 quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình, nhưng được đánh giá cao do có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến ở mức cao. Xếp hạng Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đạt 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp thứ 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Về xếp hạng Chính phủ điện tử tại khu vực Đông Nam Á, theo Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia. Xếp hạng Dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2020, xếp hạng thứ 5/11.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số thì năm 2021 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện đứng thứ 3 khu vực. Hai năm liên tiếp năm 2022 – 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đã đứng thứ 1 khu vực ASEAN.
Tại Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu – GCI 2020 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố năm 2021, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng; đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và tiếp tục duy trì.
Tại hội nghị, Bộ TT-TT nhận định, tiến trình CĐS của Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều thí điểm thành công và đã đến lúc cần phổ cập những thành công này. Cách tiếp cận hiện nay đã tới hạn, để phổ cập thì cần phải có cách tiếp cận mới.
Cụ thể là chuyển đổi từ cách tiếp cận “Công nghệ thông tin” sang cách tiếp cận “CĐS”. Từ phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng số dùng chung. Từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây. Từ sản phẩm sang dịch vụ. Từ tự động hóa sang thông minh hóa. Từ dữ liệu tổ chức sang dữ liệu người dùng…
Nguồn: https://baodaknong.vn/viet-nam-pho-cap-chuyen-doi-so-bang-cach-tiep-can-moi-222973.html