Các đại biểu theo dõi bài phát biểu của Bộ trưởng Phan Văn Giang tại Phiên toàn thể 2 với chủ đề: “An ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.” (Nguồn: Quân đội Nhân dân)
Ngày 15/8, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham dự Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần thứ 11 (MCIS-11) tại Trung tâm Hội nghị-Triển lãm “Yêu nước” ở ngoại ô thủ đô Moskva của Liên bang Nga và có bài phát biểu quan trọng.
Tại phiên toàn thể khai mạc MCIS-11, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đánh giá đây là cơ hội để trao đổi, hợp tác đóng góp chung vào sự phát triển hợp tác giữa các nước. Ông nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức có nguy cơ tác động đến sự ổn định của thế giới và khu vực. Việc giải quyết các thách thức này cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại MCIS-11, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu cũng nhấn mạnh hội nghị là cơ hội trao đổi về hợp tác an ninh quốc phòng, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
MCIS-11 gồm Phiên khai mạc với chủ đề “Thực trạng an ninh toàn cầu trong thế giới đa cực;” 3 phiên toàn thể với các chủ đề “An ninh tại khu vực Trung Á và châu Phi: Khía cạnh quân sự,” “An ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” “Hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng: Điều kiện và kỳ vọng;” cùng phiên thảo luận bàn tròn chuyên gia với chủ đề “Một thế giới – Một nền an ninh chung.”
Phát biểu tại Phiên toàn thể 2 với chủ đề “An ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” Bộ trưởng Phan Văn Giang nhận định châu Á-Thái Bình Dương là khu vực năng động và nhiều tiềm năng phát triển, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, khoa học-công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm, hiện diện của nhiều nước ngoài khu vực, nhất là các nước lớn, mong muốn quan hệ hợp tác nhiều hơn với khu vực.
Sự quan tâm này, một mặt mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, song cũng kéo theo sự cạnh tranh địa chính trị và sự cọ xát, đan xen lợi ích chiến lược. Cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia vẫn còn tồn tại; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, nhất là trên biển còn phức tạp; chính trị nội bộ một số nước chưa thực sự ổn định.
Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, có xu hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng như thiên tai, dịch bệnh (như đại dịch COVID-19), biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, buôn người.
Để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống này, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh thực sự cần đến sự đoàn kết, chung tay, góp sức của các nước, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chắc chắn cần đến sự tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, thiện chí hợp tác cùng phát triển, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia của mỗi nước, quyền tự quyết của mỗi dân tộc; thượng tôn luật pháp quốc tế, tuân thủ các cam kết khu vực, quan tâm thỏa đáng đến quan ngại an ninh của mỗi quốc gia; kiên trì giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Việt Nam kiên định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn; kiên quyết, kiên trì giải quyết xung đột, tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại, bằng biện pháp hòa bình.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn với tất cả các nước trên thế giới, là đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; không liên minh, liên kết quân sự, không “chọn bên” trong quan hệ quốc tế; tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác; cam kết trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế cao cả; luôn mong muốn đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của thế giới và khu vực.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phan Văn Giang thông báo kế hoạch tổ chức Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2024 cùng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, mong muốn các nước tiếp tục ủng hộ và cử đoàn tham dự.
Bên lề MCIS-11, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn bó từ lâu. Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, phù hợp với Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030.
Về phần mình, Bộ trưởng Shoigu xác nhận Bộ Quốc phòng hai nước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hợp tác phong phú mà nền tảng quan trọng chính là tình hữu nghị lâu đời và hợp tác cùng có lợi.
Với mong muốn hợp tác quốc phòng tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, thời gian tới, hai bộ trưởng thống nhất tăng cường phối hợp, tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, tập trung vào duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác quan trọng như Đối thoại Chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng, Ủy ban Phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác quốc phòng hằng năm được thống nhất.
Hai bên tiếp tục tham gia và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games), ủng hộ các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng mỗi nước chủ trì tổ chức; tăng cường hợp tác đào tạo, hợp tác cấp quân, binh chủng, hợp tác trong lĩnh vực lịch sử quân sự; tiếp tục mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, nghiên cứu thúc đẩy, mở rộng các nội dung hợp tác khác, như gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, an ninh mạng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cùng đại biểu các nước tại Phiên toàn thể 2 của MCIS-11. (Nguồn: Quân đội Nhân dân)
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lý Thượng Phúc.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Phan Văn Giang chia sẻ với Bộ trưởng Lý Thượng Phúc về những thiệt hại về người và tài sản trong trận mưa bão vừa qua tại một số địa phương của Trung Quốc, trong đó có thành phố Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc.
Hai bộ trưởng tái khẳng định, hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bộ trưởng nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng để hiện thực hóa nội dung hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, nhằm đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8, dự kiến diễn ra vào tháng 9; tin tưởng chương trình giao lưu sẽ thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao tin cậy chính trị giữa hai nước. Bộ trưởng Phan Văn Giang trân trọng mời Bộ trưởng Lý Thượng Phúc thăm chính thức Việt Nam nhân sự kiện này.
Cũng bên lề MCIS-11, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Saikhanbayar Gursed để trao đổi về thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Trước đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã hội kiến Đại tướng Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga. Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị trong thời gian tới, Đại tướng Nikolai Patrushev tiếp tục quan tâm chỉ đạo ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
Đại tướng Nikolai Patrushev nhấn mạnh hợp tác quốc phòng-an ninh là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga tin tưởng trong thời gian tới, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng đã gặp song phương Trung tướng Viktor Gennadievich Khrenin, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Belarus, bên lề Diễn đàn Quân sự Quốc tế (Army 2023) và mời Trung tướng Khrenin thăm Việt Nam.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp quốc phòng Belarus./.