Mờ nhạt trên thị trường nội tỉnh
Không ít chủ thể OCOP của Đắk Nông chia sẻ rằng, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào các kênh bán lẻ trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Đã gần 2 năm, sản phẩm ca cao OCOP 3 sao của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê, huyện Đắk Mil được trưng bày, bán rộng rãi tại toàn bộ hệ thống của Saigon Co.op – kênh bán lẻ lâu đời bậc nhất của cả nước.
Tuy nhiên, khi được hỏi sản phẩm có bán được nhiều ở Đắk Nông không thì liền nhận được ngay cái lắc đầu khá chán chường từ chủ công ty này.
Giám đốc công ty Nguyễn Văn Quý thông tin, mỗi tháng, đơn vị cung ứng gần 300kg ca cao cho toàn hệ thống Saigon Co.op. Thế nhưng, tại Co.opmart Đắk Nông, sản phẩm hầu như bán ra rất ít.
Mặc dù sản phẩm luôn được ưu tiên trưng bày cùng vị trí với những sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành khác, nhưng hầu như khách hàng vẫn không mấy mặn mà.
Không riêng gì ở siêu thị, tại cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh, doanh số bán hàng của doanh nghiệp cũng rất khiêm tốn.
Sản phẩm cũng đang vắng bóng hoàn toàn trên các kệ hàng ở những kênh bán lẻ khác của tỉnh như: cửa hàng tiện lợi, tạp hóa lớn, chợ truyền thống…
Theo phân tích của ông Quý, nguyên nhân chủ yếu ở đây là do phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ thông tin về các sản phẩm OCOP.
Nhiều người còn chưa hiểu được đó là sản phẩm gì và có gì đặc biệt mà giá bán lại cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Chính vì vậy, dù ở ngay thị trường sân nhà, nhưng sản phẩm OCOP vẫn rất kén người mua.
Tương tự, sản phẩm sầu riêng của Trang trại Gia Trung cũng rơi vào tình cảnh chung này. Được vào hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, nhưng ngay tại siêu thị của Đắk Nông, sản phẩm vẫn rất khó tiêu thụ.
Ngược lại, khi sản phẩm được nhập vào kho tổng và đưa đi tiêu thụ tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op ở các tỉnh, thành khác lại bán rất chạy…
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại chia sẻ, có lẽ giá bán ở đây đang là một thách thức cho sản phẩm đối với người tiêu dùng địa phương.
Khi sản phẩm sầu riêng OCOP vào siêu thị sẽ phải chịu thêm những chi phí khác nên giá bán đương nhiên cao hơn so với bên ngoài. Trong khi đó, thị trường bên ngoài lại có bạt ngàn sản phẩm sầu riêng, giúp người tiêu dùng của Đắk Nông có nhiều sự lựa chọn với giá tốt hơn.
Hiện nay, tại Co.opmart Đắk Nông có 3 sản phẩm OCOP đang được bày bán, bao gồm: ca cao, bánh thanh gạo lứt và nấm đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, doanh số bán các sản phẩm vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Thiếu sự đeo bám
Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của Đắk Nông đã tham gia bày bán tại siêu thị. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên một số chủ thể đã bỏ cuộc giữa chừng.
Ông Trần Giang Nhật Thảo, Giám đốc Co.opmart Đắk Nông cho hay, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op có hàng trăm mặt hàng OCOP đến từ các doanh nghiệp, HTX trong nước.
Để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, cùng với việc bảo đảm về số lượng, các chủ thể đã chú trọng hơn về chất lượng và thiết kế bao bì.
Theo ông Thảo, các sản phẩm OCOP của Đắk Nông rất phong phú về chủng loại, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, sự kiên trì, đeo bám sản phẩm trên hệ thống của các chủ thể rất hạn chế.
Đơn cử như các mặt hàng thực phẩm tươi sống, theo quy định, sau 3 hoặc 6 tháng, các chủ thể sẽ phải có giấy kiểm nghiệm lại để đánh giá chất lượng đầu vào cho sản phẩm. Song, khi được yêu cầu bổ sung các thủ tục này, các chủ thể hầu như không thực hiện, mà bỏ ngang hợp đồng cung ứng.
Ông Đinh Xuân Nhu, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa, TP. Gia Nghĩa cho biết, thông thường, chi phí để kiểm nghiệm lại chất lượng sản phẩm khá cao.
Trong trường hợp số lượng hàng hóa bán ra tốt thì chi phí này không phải là vấn đề. Tuy nhiên, khi sản phẩm ế ẩm, mà trong một thời gian ngắn phải làm đi làm lại, khiến nhiều chủ thể OCOP đang e ngại.
Một vấn đề nữa đó là bao bì sản phẩm. Hiện nay, bao bì của một số doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ thông tin theo công bố hợp quy hoặc thông tin trên bao bì chưa phù hợp. Chính vì thế nên bắt buộc phải được hướng dẫn để làm lại cho đúng chuẩn của hệ thống, rồi mới bắt đầu nhập hàng.
“Trước đó, các doanh nghiệp đã in số lượng lớn bao bì nên khi buộc in lại phải mất thêm chi phí, khiến họ không mấy mặn mà”, ông Thảo cho hay.
Khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm ở đây cũng còn nhiều điều đáng bàn. Nhiều sản phẩm OCOP Đắk Nông chưa đánh trúng tâm lý người tiêu dùng.
Các chủ thể thiếu các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Nhiều sản phẩm OCOP dù đã lên kệ hàng, nhưng mục đích chủ yếu vẫn là để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Chị Nguyễn Thị Hằng, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa chia sẻ, chị thường tìm mua các đặc sản địa phương. Hiện nay, tại siêu thị đã bố trí các kệ hàng dành cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, các sản phẩm của Đắk Nông vẫn chưa thực sự đa dạng, nhiều lựa chọn, chủ yếu là sản phẩm sấy, bột…
“Hơn thế nữa, các sản phẩm này thường ít có các chương trình khuyến mãi, nên giá thường “chênh” hơn các sản phẩm cùng loại. Điều này ít nhiều chịu thiệt hơn khi người tiêu dùng suy tính để chọn mua sản phẩm, dù rằng nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã chú trọng đầu tư vào nhãn hiệu, bao bì khá bắt mắt”, chị Hằng cho biết thêm.
Được coi là tinh hoa của từng địa phương, nhưng những sản phẩm OCOP Đắk Nông đang chật vật về đầu ra ngay trên chính sân nhà của mình.
Câu chuyện kết nối thị trường bán lẻ cho các sản phẩm OCOP vẫn đang rất cần những sự hỗ trợ hiệu quả để mang lại giá trị kinh tế tương xứng, lâu dài.
Đắk Nông hiện có 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 1 trung tâm thương mại tại Đắk R’lấp hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 1 siêu thị hạng II tại TP. Gia Nghĩa; 1 trung tâm phức hợp ở Cư Jút; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại (tạp hóa, cửa hàng tiện lợi…).
Nguồn: https://baodaknong.vn/vi-sao-ocop-dak-nong-lep-ve-tren-san-nha-228538.html