Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông vừa được tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận lại danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”. Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá lại được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, nhiều danh lam, thắng cảnh, nơi đây là một điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, khám phá.
Tỉnh Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, danh lam, thắng cảnh đẹp mắt. Đó là hàng loạt thác nước hùng vĩ nằm ẩn mình trong những cánh rừng, như: Đắk G’lun, Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ… Cùng với đó là hệ thống hang động núi lửa, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, hồ Tà Đùng với gần 40 đảo lớn, nhỏ được ví như là “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”. Đặc biệt, Đắk Nông giàu bản sắc văn hóa truyền thống với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tất cả tạo nên một không gian riêng chỉ có ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được thế giới công nhận.
Xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, là một trong những điểm đến trên tuyến “Trường ca của nước và lửa” trong di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ông K’Bang, dân tộc M’nông, nghệ nhân đan lát ở bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, cho biết việc được chọn là điểm dừng chân của di sản và định hướng xây dựng du lịch cộng đồng đã mở ra hướng phát triển du lịch, dịch vụ: “Ngành nghề truyền thống của dân tộc mình bây giờ rất phát triển, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng, vừa bán cho khách du lịch. Như đan lát này là đàn ông trong làng ai cũng phải biết, vừa giữ nghề, vừa tạo thu nhập.
Cùng trên hành trình về miền di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, huyện Krông Nô là địa phương có rất nhiều danh lam, thắng cảnh tự nhiên với những cộng đồng người dân tộc thiểu số còn đậm nét văn hoá truyền thống. Ông Y Suơ Hlong, bon Đru, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, chia sẻ nơi ông sinh sống là một trong những vùng đất giàu bản sắc văn hoá và có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có thể kể đến như thác Đray Sáp, hệ thống hang động núi lửa: “Tôi rất vui khi thấy những danh lam thắng cảnh đẹp như thác Đray Sáp hay hang động núi lửa được đưa vào khai thác, phát huy cùng với văn hoá truyền thống để phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều bà con cũng đã tham gia và các dịch vụ du lịch, đời sống đi lên.
Những năm qua, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, điểm dừng chân trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” đã làm du lịch cộng đồng. Bà con dân tộc M’nông ở địa phương vừa có thể giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Du khách đến với Nâm Nung được tìm hiểu phong tục, tập quán, lễ hội và ẩm thực của đồng bào…
Khơi dậy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc, năm vừa qua, chính quyền xã Nâm Nung đã hỗ trợ người dân từng bước phát triển du lịch cộng đồng. Ông Y Krêu, Phó trưởng bon Yôk Ju, cho biết bà con đã thành lập được các nhóm homstay, nhóm ẩm thực, nhóm văn hóa dân gian để phục vụ du khách; các hợp tác xã dệt thổ cẩm, hợp tác xã làm rượu cần cũng đã có nhiều sản phẩm bán ra thị trường: “Thành lập mô hình du lịch, thứ nhất là mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình; thứ hai là tiếp nối nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm … và ẩm thực của các dân tộc. Từ đó, quảng bá sản phẩm nông sản do mình làm ra, như: cà phê, trái cây, rau… để phục vụ khách du lịch, mang lại thu nhập cho bà con.
Với nhiều con suối chảy ra từ rừng già, ở Nâm Nung có rất nhiều thác nước đẹp, như: Leng Kum, Leng Ôông, Leng Gungtao… Bên cạnh đó là khung cảnh nên thơ của cánh đồng lúa dưới chân núi lửa, vườn cây trái trên đồi đá bọt… đã thu hút du khách trong nước và quốc tế đến đây.
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, cho biết di tích lịch sử cách mạng, các thắng cảnh thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc là lợi thế để địa phương mở hướng phát triển du lịch: “Thuận lợi nhất đối với mô hình du lịch cộng đồng này là tại xã có rất nhiều nghệ nhân, về cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan mây tre, và nghệ nhân hát dân ca, hát kể sử thi… Và theo tôi việc bà con tập trung làm từng bước để phát triển thì chắc chắn sẽ làm được.”
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông xác định du lịch là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh, vì vậy đã đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; từng bước đưa Đắk Nông lên bản đồ du lịch thế giới và đón thêm nhiều du khách đến trải nghiệm.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Để đồng bộ, gắn kết tất cả các loại hình là việc làm cần thiết và chúng tôi đã từng bước xây dựng được các mô hình. Làm thế nào để người dân có thể hiểu, gắn kết và họ chính là chủ thể của việc bảo tồn, phát huy, phát triển các di sản, từng bước một duy trì, phục dựng, phát huy, phát triển, giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Bảo tồn văn hoá làm sản phẩm cho phát triển du lịch và đồng hành phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.”
Trên nền tảng văn hoá đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành quanh năm mát mẻ, cộng với những định hướng đầu tư đúng đắn… trong tương lai không xa, du lịch Đắk Nông sẽ vươn lên mạnh mẽ, hấp dẫn du khách về miền di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ve-mien-di-san-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-dak-nong-229281.html