Tháng ba Tây Nguyên là thời điểm trước khi vào mùa vụ mới, cũng là lúc thời tiết khô ráo, trăm hoa đua nở, trời trong nắng dịu thích hợp để vui chơi lễ hội.
Tháng ba năm nay, cùng với nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà-phê thế giới”, diễn ra từ ngày 9 đến 13/3/2025 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh. Thông qua Lễ hội này, ngoài các hoạt động tôn vinh người trồng, sản xuất cà-phê, xây dựng và quảng bá thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Tổ chức Lễ hội tập trung đẩy mạnh truyền thông quảng bá, lan tỏa sâu rộng nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk, nhất là văn hóa cồng chiêng đến với đông đảo nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong cuộc sống đương đại.
Kể từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005 đến nay, các tỉnh ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Nổi bật là từ đó đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành năm nghị quyết về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hiện tại đang thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025”, qua đó góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tích cực thực hiện nội dung cam kết trong Hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO về bảo tồn và phát huy Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở địa phương.
Thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, tính đến nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các huyện, thị xã, thành phố đã cấp hàng trăm bộ chiêng, bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào; đồng thời tổ chức được hơn 130 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được hơn 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Việc cấp hỗ trợ chiêng, trang phục, nhạc cụ theo đúng nhu cầu thực tế của các chủ thể văn hóa để có thể phát huy được giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của cồng chiêng trong cộng đồng, đời sống, ưu tiên những đội chiêng tiêu biểu, có các nghệ nhân am hiểu, biết đánh chiêng truyền thống và thường xuyên tham gia các hoạt động tại địa phương.
Với sự hỗ trợ thiết thực đó, văn hóa cồng chiêng đang “sống lại” trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, đặc biệt giải quyết dứt điểm về nạn “chảy máu” cồng chiêng…
Dưới đây là những hình ảnh sinh động của Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Đắk Lắk hòa nhịp với cuộc sống đương đại:
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, bất cứ lễ hội nào cũng có cồng chiêng.
Và trong các nghi lễ của cộng đồng, buôn làng hay gia đình, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đều tấu chiêng.
Khi nghe tiếng chiêng ngân lên, dân làng sẽ biết trong buôn làng hay gia đình có chuyện vui hay chuyện buồn.
Thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh bảo tồn và phát huy Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tính đến nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các huyện, thị xã, thành phố đã cấp hàng trăm bộ chiêng, bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với việc cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội văn nghệ tiêu biểu các buôn làng, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức được hơn 130 lớp truyền dạy đánh chiêng cho các thanh thiếu niên ở các buôn làng và trường học.
Nhờ đó, nhiều bạn trẻ đã biết diễn tấu cồng chiêng và thường xuyên tham gia diễn tấu cồng chiêng trong các sự kiện hay lễ hội của buôn làng.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng giữa các địa phương trong tỉnh.
Thông qua liên hoan văn hóa cồng chiêng, vừa kiểm tra công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở các địa phương trong tỉnh, vừa tạo điều kiện cho các địa phương trong tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân thể hiện tài diễn tấu cồng chiêng của mình.
Các buổi diễn tấu cồng chiêng thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức và cổ vũ.
Khi tiếng chiêng ngân vang đã lôi cuốn du khách cùng giao lưu với các đội chiêng và bà con buôn làng.
Và trong nhịp xoan dịu dàng, rạo rực của các cô gái Tây Nguyên.
Nguồn: https://baodaknong.vn/van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-hoa-nhip-voi-cuoc-song-duong-dai-242620.html