Trong số 20 người bị xét xử tại Uzbekistan, có ba bị cáo là quản lý của Quramax Medical – công ty phân phối các sản phẩm dược do hãng Marion Biotech của Ấn Độ sản xuất tại thị trường Uzbekistan.
Các loại siro ho bị nhà chức trách thu giữ, được cho là liên quan đến hàng chục trẻ em tử vong tại Gambia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 16/8, tại phiên tòa của Uzbekistan xét xử các đối tượng liên quan vụ siro ho nhiễm độc khiến 65 trẻ em tử vong ở nước này, các công tố viên nhà nước cáo buộc các nhà phân phối sản phẩm siro ho của Ấn Độ nhiễm độc đã hối lộ các quan chức 33.000 USD để được bỏ qua khâu kiểm nghiệm bắt buộc.
Các đối tượng bị xét xử tại tòa gồm 20 người Uzbekistan và một người Ấn Độ. Trong số này, ba bị cáo (một người Ấn Độ và hai người Uzbekistan) là quản lý của Quramax Medical – công ty phân phối các sản phẩm dược do hãng Marion Biotech của Ấn Độ sản xuất tại thị trường Uzbekistan.
Theo công tố viên nhà nước Saidkarim Akilov, Giám đốc Điều hành (CEO) Quramax, ông Singh Raghvendra Pratar, đã hối lộ 33.000 USD cho các quan chức tại Trung tâm Nhà nước về Kiểm nghiệm và Chứng nhận Tiêu chuẩn Dược phẩm của Uzbekistan để được bỏ qua quy trình kiểm nghiệm bắt buộc đối với những sản phẩm của công ty này.
Phát biểu tại tòa, bị cáo Pratar bác bỏ cáo buộc của bên công tố, song thừa nhận đã chuyển 33.000 USD cho các quan chức thông qua bên trung gian để “tỏ lòng cảm kích.” Tuy nhiên, bị cáo này khẳng định không biết rõ ai sử dụng số tiền này sau đó cũng như cách thức sử dụng.
Trong khi đó, bảy bị cáo đã thừa nhận một số tội danh bị cáo buộc như trốn thuế, bán thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng, lợi dụng chức vụ, giả mạo và hối lộ.
Các công tố viên nhà nước Uzbekistan còn cáo buộc Quramax có hành vi trốn thuế, nhập khẩu thuốc của hãng Marion Biotech với mức giá cao hơn thực tế thông qua hai công ty trung gian có trụ sở tại Singapore.
Phiên tòa trên bắt đầu diễn ra từ ngày 11/8 vừa qua.
Hồi tháng Sáu, nhà chức trách Ấn Độ đã mở cuộc điều tra cáo buộc hối lộ liên quan đến loại siro ho nhiễm độc được cho là nguyên nhân khiến hàng chục trẻ em tử vong ở Uzbekistan và Gambia.
Cụ thể khi đó, sản phẩm này được cho là liên quan 20 trường hợp trẻ em tử vong ở Uzbekistan do tổn thương thận cấp tính và 70 trường hợp trẻ tử vong ở Gambia.
Một số chuyên gia dược phẩm cho rằng các nhà sản xuất đã thay thế propylene glycol thường được sử dụng trong siro ho bằng các chất khác có giá thành rẻ hơn nhưng độc hại. Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 200 trẻ nhỏ khác ở nhiều quốc gia trên thế giới./.