Sau khi thành lập, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã tập trung xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu 230ha mắc ca.
HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca. Sản phẩm mắc ca sau khi chế biến được đóng gói, có nhãn mác với thương hiệu “Mắc ca M’nông” để bán ra thị trường.
HTX đã lập website, sử dụng các nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Qua các kênh này, lượng khách hàng của HTX ngày càng được mở rộng tại nhiều thị trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HTX cho biết, mắc ca sau khi chế biến được bán ra thị trường với mẫu mã và nhãn hiệu đặc trưng, giúp cho khách hàng dễ nhận diện.
Điều này, giúp sản phẩm của HTX tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, đóng gói, bán ra thị trường.
Bà Phan Thị Khương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, ngành Nông nghiệp xác định chuyển đổi số trong là giải pháp quan trọng để giới thiệu, kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, trang trại, người dân ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…
Huyện đã hỗ trợ 12 HTX, doanh nghiệp và hộ gia đình đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử (Postmart). Hầu hết các sản phẩm nông sản của huyện đều được gắn nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc.
Nhiều sản phẩm được tiêu thụ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Huyện đã tiến hành số hóa các quy trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi… nhất là các sản phẩm chủ lực, đạt tiêu chuẩn GAP, VietGAP.
Các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố thông tin đầu vào, đầu ra sản phẩm; sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động.
Nhiều người dân Tuy Đức đã tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp và HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng. Người dân cũng tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng facebook, zalo, google, tiktok…
Cũng theo bà Khương, nhiều người dân ở Tuy Đức đã dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.
Bà con áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động; điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính; điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi; sử dụng máng ăn tự động trong chăn nuôi và thú y… Các giải pháp này đã góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng.
Ngành chức năng huyện đã tập huấn, hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản trên mạng xã hội cho trên 24 chủ thể sản xuất nông nghiệp.
Để đưa sản phẩm lên các nền tảng công nghệ, huyện Tuy Đức đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, sản phẩm, hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm.
Các ngành chức năng của huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện in ấn 10.000 tem truy xuất nguồn gốc QR, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm, địa chỉ nhà sản xuất, tiêu chuẩn áp dụng, quy trình sản xuất…
Bà Khương cho biết, chuyển đổi số đã giúp nhiều HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Chuyển đổi số giúp tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế số của huyện.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tuy-duc-chuyen-doi-so-de-nong-san-chu-luc-tiep-can-thi-truong-226930.html