Phát triển công nghiệp khai khoáng đang được xem là bước đột phá giúp Đắk Nông hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
ĐẶT VỮNG NỀN MÓNG
Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) chính là khởi đầu thành công cho các dự án lớn sau này của ngành Công nghiệp khai khoáng tại Đắk Nông.
Dự án có tổng mức đầu tư xấp xỉ 16.821 tỷ đồng. Nhà máy được khởi công xây dựng từ ngày 28/02/2010 và chính thức thực hiện kể từ ngày 18/11/2010. Đây là 1 trong 2 dự án thí điểm do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Quá trình đầu tư xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn, do chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, sự tác động từ các yếu tố bất khả kháng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành thử nghiệm có tải vào tháng 11/2016. Đến 16/12/2016, dự án đã có sản phẩm alumin đầu tiên.
Sau 6 năm vận hành thương mại (2017-2023), dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Hiện nay, sản phẩm alumin được các nước nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng tại những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE… Dự án là bước khởi đầu để tạo nền tảng cho ngành Công nghiệp bô xít – alumin – nhôm. Từ đó tạo điều kiện kích cầu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ khác cho Đắk Nông. Đó là: sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, xây dựng, giao thông – vận tải, chế tạo cơ khí, thiết bị…
Tiếp đến là Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, do Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 690 triệu USD. Công suất thiết kế là 450 ngàn tấn nhôm/năm và được chia thành 3 phân kỳ với công suất tương ứng là 150 ngàn tấn/năm.
Đến nay, dự án đã thi công xây dựng xong các hạng mục gồm: Văn phòng điều hành, nhà ở và nhà ăn của chuyên gia, nhà ở cán bộ, nhà ở và nhà ăn của công nhân; xưởng gia công thiết bị bể điện phân, xưởng làm sạch, nhà kho thiết bị. Nhà thầu hiện đang tiếp tục thi công một số hạng mục khác như: kho chứa hóa chất, xưởng gắn cực dương, xưởng điện phân…
Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong thời gian tới, với công suất giai đoạn 1 là 150.000 tấn nhôm/năm. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Điện phân nhôm khẳng định quan điểm trong khai thác và chế biến khoáng sản là chế biến sâu. Từ đó giúp nâng cao giá trị khoáng sản, không xuất bán nguyên liệu thô.
Ngoài ra, đối với khoáng sản thông thường, Đắk Nông hiện có trữ lượng lớn đá bazan dạng cây, cột. Trước đây, những khoáng sản này chủ yếu khai thác, chế biến thủ công thành đá viên phục vụ xây dựng. Đến nay, việc đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị vào trong chế biến được các doanh nghiệp Đắk Nông quan tâm.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 7 nhà máy chế biến đá xẻ làm trang trí có giá trị kinh tế cao. Các nhà máy không những đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trong tỉnh, trong nước, mà còn xuất khẩu ra thế giới.
BÁM SÁT CÁC ĐỊNH HƯỚNG
Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương lấy phát triển công nghiệp khai thác bô xít – chế biến alumin – luyện nhôm làm một trong ba đột phá phát triển kinh tế.
Trong ngắn hạn, Đắk Nông sẽ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất alumin trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít, tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị bô xít – alumin – nhôm.
Tiếp đó, địa phương sẽ đầu tư nâng cao công suất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong giai đoạn tới. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng, giải quyết các thủ tục liên quan, đưa dự án sản xuất nhôm của Công ty Trần Hồng Quân đi vào vận hành, để sớm có sản phẩm nhôm và các sản phẩm sau nhôm. Giai đoạn này cũng sẽ tập trung hoàn tất hồ sơ thủ tục và đưa các tổ hợp dự án bô xít – alumin – nhôm mới và các dự án liên quan khác đi vào hoạt động…
Tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất nhôm và sản phẩm sau nhôm. Những bước đi này sẽ từng bước đưa tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, trung tâm luyện kim màu lớn nhất nước.
Đối với điện phân nhôm, trong giai đoạn 2021- 2030, Đắk Nông phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào sản xuất Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, với công suất 0,3 triệu tấn nhôm kim loại/năm. Trong đó, sử dụng alumin của các nhà máy trong khu vực.
Đến năm 2030 sẽ mở rộng nâng công suất lên 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Tại địa phương sẽ đầu tư mới 1-2 dự án sản xuất nhôm kim loại gắn với tự đầu tư bảo đảm nguồn nguyên nhiên liệu. Vị trí cụ thể do nhà đầu tư quyết định. Tổng công suất dự kiến sẽ từ 1.200.000 – 1.500.000 tấn nhôm thỏi/năm.
Hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, hơn hai năm qua, Đắk Nông đã kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn vào khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án bô xít – alumin – nhôm và chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm.
Đơn cử như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH… Ngoài ra còn có dự án khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty Cổ phần Wolfram Đắk Nông.
Tỉnh tiếp tục theo dõi, xử lý kiến nghị của các chủ đầu tư dự án trọng điểm như: Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Trần Hồng Quân.
Đặc biệt, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, Đắk Nông có trữ lượng quặng bô xít và quặng wolfram rất lớn. Ngoài các dự án được cấp trước đó, Đắk Nông còn có 18 khu vực mỏ khoáng sản được cấp mới để thu hút các dự án vào đầu tư.
Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt giúp Đắk Nông thuận lợi hơn trong việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư lớn vào triển khai các dự án về bô xít cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Việc thăm dò, khai thác quặng sẽ phải gắn với chế biến sâu, tối thiểu ra đến sản phẩm alumin.
Trong đó, Đắk Nông sẽ chú trọng việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án có đủ năng lực để thực hiện đồng bộ các khâu; trong đó, đặc biệt lưu ý tới phương án xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả…
Nội dung: Lê Dung
Trình bày, đồ họa: Thế Huy – Nguyễn Hiền