Tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Cầm quyền Chuyển tiếp Sudan cho biết RSF và các đồng minh đã phạm các “tội ác khủng khiếp” đối với dân thường ở Tây Darfur và các khu vực khác ở Sudan.
Các thành viên Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) ở Sudan tại Khartoum, ngày 23/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 22/9, Báo Arab News của Saudi Arabia đưa tin Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế liệt Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đối địch vào danh sách “khủng bố,” đồng thời cáo buộc RSF cùng các lực lượng dân quân thuộc các bộ lạc sắc tộc đã phạm “tội ác chiến tranh” và “tội ác chống lại loài người.”
Phát biểu tại phiên tranh luận trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York (Mỹ), Tướng Al-Burhan, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cầm quyền Chuyển tiếp Sudan, cho biết RSF và các đồng minh đã phạm các “tội ác khủng khiếp” đối với dân thường ở Tây Darfur và các khu vực khác ở Sudan.
Các nhóm này đã thực hiện hành vi hãm hiếp, cướp nhà cửa và tài sản của người dân, cướp ngân hàng, cũng như phá hủy các bệnh viện và công trình công cộng. Theo đó, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế liệt RSF và các lực lượng dân quân đồng minh vào danh sách các nhóm khủng bố nhằm bảo vệ người dân Sudan và thế giới.
Ông Al-Burhan cho rằng hành động gây hấn của RSF không chỉ nhằm vào các lực lượng vũ trang mà còn mở rộng tới tất cả các thể chế Nhà nước.
Theo ông, chính quyền Sudan đã tận dụng mọi cơ hội để tìm cách chấm dứt xung đột, bao gồm cả việc tham gia các cuộc đàm phán do Saudi Arabia đăng cai tổ chức với sự tham gia của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Sudan. Tuy nhiên, ông cho hay RSF đã từ chối mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng, thay vào đó lực lượng này đang hủy hoại Nhà nước.
Tướng Al-Burhan cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Sudan có thể lan rộng ra ngoài biên giới của quốc gia Đông Bắc Phi này, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế nếu không được ngăn chặn.
Sudan rơi vào tình trạng khủng hoảng từ ngày 15/4 năm nay khi căng thẳng giữa quân đội và RSF dẫn đến bùng phát giao tranh ở Thủ đô Khartoum và một số khu vực khác.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột tại Sudan đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, làm bị thương 12.000 người khác và khiến hơn 5 triệu người phải di dời, trong đó có hơn 1 triệu người buộc phải chạy trốn sang các nước láng giềng.
Hệ thống y tế ở quốc gia Bắc Phi này cũng gần như sụp đổ hoàn toàn khi gần 80% dịch vụ y tế không hoạt động và hơn 6 triệu người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng./.