Tổng thống Kenya William Ruto cho biết việc Liên minh châu Phi gia nhập G20 sẽ “mang lại tiếng nói và tầm nhìn cho những lợi ích và quan điểm của châu Phi trong tổ chức quan trọng này.”
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 9/9, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết việc AU gia nhập Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) sẽ mang lại một “khuôn khổ thuận lợi” cho lục địa này, “đóng góp hiệu quả” vào nỗ lực của thế giới giải quyết những thách thức toàn cầu.
Trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), Chủ tịch Mahamat viết: “Tôi hoan nghênh việc AU gia nhập G20 với tư cách là thành viên chính thức. Tư cách thành viên này, vốn được chúng tôi ủng hộ từ lâu, sẽ cung cấp một khuôn khổ thuận lợi để tăng cường vận động sự ủng hộ của châu Phi cũng như thúc đẩy những đóng góp hiệu quả của châu lục này vào nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu.”
Đánh giá ý nghĩa sự kiện, Tổng thống Kenya William Ruto cho biết việc AU gia nhập G20 sẽ “mang lại tiếng nói và tầm nhìn cho những lợi ích và quan điểm của châu Phi trong tổ chức quan trọng này.”
Ông nhấn mạnh: “Với việc AU sẵn sàng phát triển trong những năm tới, một ghế thành viên sẽ cho phép khu vực này định hình các quyết định của G20 nhằm đảm bảo nâng cao lợi ích của lục địa này. Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu châu Phi vừa kết thúc bao gồm những cải cách cơ bản của các tổ chức tài chính quốc tế và các ngân hàng phát triển đa phương là một điều mà AU sẽ thúc đẩy.”
Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu, người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, cũng đã đăng trên mạng xã hội X: “Là một lục địa, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa khát vọng của mình trên trường thế giới với sự hỗ trợ của nền tảng G20.”
AU có tổng cộng 55 thành viên nhưng hiện có 6 quốc gia dưới sự điều hành của chính quyền quân sự đang bị đình chỉ hoạt động. Các nước AU có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD và dân số hơn 1,4 tỷ người./.