Nguyên liệu dồi dào
Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả của Đắk Nông liên tục tăng. Cụ thể, năm 2018, Đắk Nông có 7.100 ha cây ăn quả và đến nay đã lên tới hơn 18.000 ha.
Các loại cây ăn quả có quy mô khá lớn ở Đắk Nông. Trong đó, sầu riêng với 6.139 ha, sản lượng 22.281 tấn/năm; xoài 1.805 ha, sản lượng 11.385 tấn/năm; bơ 3.151 ha, sản lượng 15.766 tấn/năm…
Toàn tỉnh hiện có 14 chuỗi liên kết sản xuất cây ăn trái. Có 3 doanh nghiệp, 8 HTX và 1 tổ hợp tác liên kết với 185 hộ dân tham gia sản xuất cây ăn trái với quy mô gần 608 ha, sản lượng đạt khoảng 4.660 tấn/năm.
Tính đến 30/8/2023, Đắk Nông đã được cấp 36 mã vùng trồng cho trái cây, với diện tích 946,27 ha; sản lượng khoảng 16.500 tấn/năm; trong đó, có 25 mã vùng trồng sầu riêng; 7 mã chanh dây; 1 mã bơ; 2 mã xoài và 1 mã bưởi. Đắk Nông cũng có 10 mã cơ sở đóng gói, với quy mô 2.914 m2, tổng công suất 1.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, trái cây lại đang là sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn và thường thu hoạch tập trung theo mùa vụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến và chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây.
Trái cây đến mùa thu hoạch thường tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh trong nước, nên người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thường bị các chủ vựa ép giá…
Ưu tiên hỗ trợ công nghệ
Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu macca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) vừa được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư máy sấy thăng hoa phục vụ chế biến sâu các loại trái cây.
Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Ngọc Hương cho hay, đây là công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến nông sản hiện nay. Trái cây sau khi sấy thăng hoa được giữ nguyên màu sắc, hương vị và dinh dưỡng. Với công nghệ mới này, Công ty sẽ nâng công suất sản xuất các loại trái cây sấy lên gấp 4 lần so với trước đây.
Theo bà Hương, điều đặc biệt là trái cây sấy thăng hoa có thể sử dụng được bằng ba cách khác nhau khi khách hàng không có điều kiện thưởng thức trái cây tươi.
Cụ thể, nếu muốn ăn giòn thì khách hàng chỉ cần bóc bao bì ra sử dụng ngay. Trường hợp muốn ăn dẻo thì người dùng mở ra để bên ngoài một thời gian rồi mới sử dụng. Hoặc trường hợp muốn sử dụng như trái cây tươi thì có thể ngâm qua nước rồi dùng mà không hề bị thấm nước, mềm hay thay đổi hương vị…
Sản phẩm trái cây sấy thăng hoa đang được nhiều khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Mỗi tháng, Công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tấn sầu riêng sấy; gần 1,5 tấn măng cụt sấy và 5 tạ mít sấy…
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Nông Hoàng Quốc Phú cho biết, công nghệ mới này đã giúp tăng trên 20% giá trị sản xuất cho các doanh nghiệp.
Năm nay, nguồn quỹ khuyến công sẽ ưu tiên phần lớn kinh phí cho việc hỗ trợ về máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở chế biến trái cây của tỉnh.
Từ đó giúp doanh nghiệp khai thác tối đa những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Cùng với đầu tư về máy móc, quỹ khuyến công sẽ hỗ trợ về thiết kế bao bì, máy hút chân không cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
“Công nghệ mới sẽ góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm trái cây. Từ đó tạo việc làm ổn định, giảm rủi ro về giá cả nông sản cho bà con. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển cây ăn quả gắn với chế biến sâu trên địa bàn tỉnh”, ông Phú chia sẻ.