Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ “đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine,” đồng thời “sẽ cố gắng hết sức để duy trì hy vọng giúp kiến tạo hòa bình.”
Tàu chở hàng Joseph Schulte di chuyển tại eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 21/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định nước này sẽ tiếp tục nỗ lực để nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cũng như tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu trên kênh TRT, Tổng thống Erdogan cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực mở lại hành lang ngũ cốc với các điều kiện công bằng, đáp ứng mong đợi của tất cả các bên.”
Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ “đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine,” đồng thời “sẽ cố gắng hết sức để duy trì hy vọng giúp kiến tạo hòa bình.”
Trước đó, Tổng thống Erdogan hy vọng sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng 9 tới và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan có thể đến Nga trong những ngày tới để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
Trong khi đó, Ukraine đang cân nhắc sử dụng hành lang xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen mới được thử nghiệm vận chuyển hàng hóa dọc theo bờ phía Tây Biển Đen gần Romania và Bulgaria.
Tuần trước, một tàu container treo cờ Hong Kong (Trung Quốc) đã di chuyển thuận lợi qua tuyến đường này.
Ông Denys Marchuk, Phó Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp – tổ chức kinh doanh nông nghiệp lớn nhất Ukraine, cho biết có thể có thêm 7-8 tàu nữa di chuyển qua tuyến đường này và trong tương lai, tuyến đường thay thế như vậy có khả năng trở thành hành lang xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu.
Theo tờ Financial Times của Anh, Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Oleksandr Gryban cho biết nước này đang hoàn thiện kế hoạch với các công ty bảo hiểm toàn cầu về cơ chế bảo hiểm cho các tàu chở ngũ cốc đến và đi từ các cảng trên Biển Đen.
Ông Marchuk cho hay Ukraine đã chi 547 triệu USD để mua bảo hiểm cho các tàu chở ngũ cốc.
Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine – hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến đạt được hồi tháng 7/2022, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã ba lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17/7 vừa qua. Kể từ đó, Ukraine nỗ lực tìm kiếm các cách thức mới để xuất khẩu ngũ cốc./.