Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (Tiêu chí số 13) được xác định là tiêu chí khó đối với nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông.
Để thực hiện hiệu quả tiêu chí này, đòi hỏi các xã phải phát triển mới các HTX, tạo mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
HTX Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được xem là điểm sáng trong thực hiện chuỗi liên kết với nông dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, HTX đã thực hiện thành công mô hình sản xuất cải thảo được cấp chứng nhận VietGAP theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, đơn vị đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty CJFoods Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX cho hay: “Bên cạnh sản xuất cải thảo, HTX sẽ mở rộng liên kết với một số công ty, các chợ đầu mối để tạo sự đa dạng các loại sản phẩm rau, củ, quả”.
Cải thảo vụ đông xuân 2024 của HTX đạt các tiêu chuẩn khá cao, tỷ lệ sản phẩm đồng đều đạt hơn 90%. Trọng lượng cải thảo trung bình 0,7 kg/cây, năng suất trung bình hơn 40 tấn/ha. Với giá bán hơn 5.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông hộ có lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Glong cho biết, trên địa bàn hiện đang hình thành một số HTX liên kết với nông dân trồng, sơ chế, chế biến cà phê, dược liệu. Qua đó, các đơn vị đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các loại rau, củ, quả, hồ tiêu, cây ăn trái sử công nghệ tưới nhỏ giọt, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường.
Còn tại HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, có các sản phẩm cà phê, hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ.
Ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông cho biết, HTX luôn tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất cho cây trồng và đưa được sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.
Hiện nay, thành viên của HTX tự ủ phân bón, thuốc sinh học bón cho cây trồng, giúp giảm từ 10-30 triệu đồng/ha so với bón phân hóa học. HTX luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật làm nông nghiệp hữu cơ miễn phí cho nông dân.
Theo Sở NN – PTNT, thời gian qua, các hoạt động tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đắk Nông hiện có 64 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, bao gồm 8 sản phẩm, với 9.563 hộ gia đình tham gia, chiếm 10% giá trị sản xuất.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT cho biết, Tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM được xem là nền tảng trong đổi mới công tác tổ chức sản xuất của khu vực nông thôn.
Thực hiện Tiêu chí số 13 là cơ hội để Đắk Nông tổ chức, sắp xếp lại ngành nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất được củng cố, sắp xếp lại sẽ tạo nền tảng cho kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn phát triển bền vững hơn.
Đắk Nông cũng đã xác định một số nội dung cần hoàn thiện, sắp xếp của Tiêu chí số 13. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh lĩnh vực kinh tế tập thể.
Bởi vì kinh tế tập thể là điểm tựa, là bệ đỡ cho bà con nông dân trong quá trình kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Kinh tế tập thể giúp hình thành chuỗi giá trị để sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường.
“Đây được xem là đòn bẫy để nâng cao giá trị thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Khi đời sống của bà con tốt hơn, rõ ràng NTM sẽ được bền vững lâu dài và đúng theo mục tiêu mà chương trình đặt ra”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tieu-chi-13-co-hoi-de-dak-nong-doi-moi-san-xuat-nong-thon-227943.html