Cơ hội từ quy hoạch mới
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh.
Quy hoạch nhằm khai thác tối đa các tiềm năng và thế mạnh của Đắk Nông, đồng thời bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên, với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trở thành cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Mô hình phát triển của Đắk Nông được tổ chức theo dạng “1 trung tâm – 3 cực động lực tăng trưởng – 4 hành lang kinh tế – 4 tiểu vùng phát triển”.
TP. Gia Nghĩa sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học – công nghệ của tỉnh. Đồng thời, Gia Nghĩa là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên.
3 cực động lực tăng trưởng sẽ bao gồm: cực động lực trung tâm từ chuỗi đô thị Đắk R’lấp – Gia Nghĩa – Quảng Khê; cực động lực phía Bắc từ đô thị Ea T’ling, huyện Cư Jút và Đắk Mâm, huyện Krông Nô; cực động lực phía Tây Bắc dọc hành lang kinh tế biên giới với hạt nhân là đô thị Đắk Mil và Đức An, huyện Đắk Song.
Quy hoạch cũng xác định ba đột phá phát triển: công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ đầu tư vào các tổ hợp Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5, kết hợp với các cụm mỏ khai thác bô xít, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn.
Các dự án năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên, cùng với việc hoàn thiện hạ tầng cho 7 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Đối với nông nghiệp, tỉnh xác định phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Mục tiêu là hình thành 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với 19 vùng chăn nuôi tập trung. Các dự án chế biến sâu nông sản công nghệ cao sẽ được ưu tiên đầu tư.
Trong lĩnh vực du lịch, Đắk Nông hướng tới phát triển 4 cụm du lịch trọng điểm. Trong đó, Khu du lịch hồ Tà Đùng sẽ được đầu tư để trở thành khu du lịch cấp quốc gia.
Các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng cũng sẽ được thu hút đầu tư, như tổ hợp du lịch Quảng Khê, Liêng Nung và các tổ hợp du lịch sinh thái khác.
Kỳ vọng bứt phá với cao tốc
Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km; tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác vào năm 2027.
Đây là một dự án trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, góp phần tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho cả vùng.
Đắk Nông cũng đang kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư cho các dự án như: cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14C, quốc lộ 28 và xây dựng đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành.
Hiện nay, hơn 90% sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đều xuất khẩu qua các cảng tại TP. Hồ Chí Minh. Việc cải thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư và tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Đắk Nông, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực.
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, cùng với các dự án giao thông trọng điểm khác sẽ là yếu tố quyết định giúp kinh tế Đắk Nông cất cánh trong tương lai.
Với những tiềm năng to lớn và cơ hội từ quy hoạch mới, Đắk Nông đang mở ra nhiều triển vọng phát triển, hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Sự đồng bộ trong các chính sách phát triển và đầu tư hạ tầng sẽ là chìa khóa để Đắk Nông phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tiem-nang-va-nhung-co-hoi-moi-cua-dak-nong-231205.html