Ngày 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình bảo đảm cung ứng điện từ nay đến cuối năm, năm 2025 và các năm tiếp theo.
Các kịch bản cung ứng điện năm 2025
Theo Thủ tướng, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế khoảng 7% thì tăng trưởng điện phải ở mức 10%. Với tinh thần không thể thiếu điện, cần phải chuẩn bị từ sớm từ xa, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2024 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và đời sống người dân. Hiện tập đoàn đang chuẩn bị cung ứng điện năm 2025, đặc biệt là nhiên liệu than, khí, LNG.
Dự kiến, EVN đưa ra kịch bản cung ứng điện gồm kịch bản cơ sở, nếu nhu cầu phụ tải khoảng 339,17 tỉ kWh, tăng 9,4% so với năm 2024; kịch bản kiểm tra nếu kinh tế tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, phụ tải lên mức 350,97 tỉ kWh, tăng 13,2% so với năm 2024.
Với các giải pháp chủ động, EVN đánh giá năm 2025 cơ bản đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên còn tiềm ẩn một số rủi ro khu vực miền Bắc trong các thời điểm cao điểm cuối mùa khô.
Vì vậy, EVN đưa ra giải pháp như cập nhật kịp thời tình hình để điều chỉnh kế hoạch cung cấp nhiên liệu phù hợp, linh hoạt; bảo dưỡng các nhà máy đáp ứng độ khả dụng; nâng cao độ tin cậy vận hành…
Đánh giá năm 2024 cơ bản đáp ứng nhu cầu điện khi chưa có nguồn mới vào vận hành, Thủ tướng cho rằng công tác điều hành đã tốt hơn. Tuy nhiên, năm 2025 nhu cầu điện tăng khoảng 12 – 13%, cần phải tăng thêm từ khoảng 2.200 – 2.500 MW công suất.
Thủ tướng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn và yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025 với các giải pháp cụ thể. Trong đó, trước hết triển khai các giải pháp cụ thể như cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Đẩy nhanh tiến độ các đường dây tải điện từ Lào và Trung Quốc
Theo Thủ tướng, ngay hôm nay (19/10) phải ban hành nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống; trong đó đẩy mạnh khai thác than nội địa với kế hoạch dài hạn, đồng thời nghiên cứu việc nhập khẩu than từ Lào, giảm nhập khẩu từ các nguồn khác.
Cùng với các biện pháp nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, cần đẩy nhanh tiến độ các đường dây tải điện từ Lào và Trung Quốc để sớm hoàn thành. Trong đó đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên phải hoàn thành trong thời hạn 6 tháng, đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống phải hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Công Thương khẩn trương tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và sửa đổi các thông tư liên quan. Việc sửa đổi luật theo hướng vừa quản lý được chặt chẽ, vừa kiến tạo không gian phát triển, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ xin cho, giảm thủ tục.
Để bảo đảm nguồn điện 2026 – 2030 với tốc độ tăng trưởng 12 – 15%, cần xây dựng các kịch bản không để thiếu điện với bất cứ giá nào.
Trong đó cần đa dạng hóa nguồn điện, chuyển dần điện than sang điện sạch, điện tái tạo, xử lý các vướng mắc của điện tái tạo. Điều tiết hài hòa thủy điện để vừa bảo đảm phát điện cho cao điểm mùa khô tháng 5 và 6, vừa bảo đảm tưới tiêu.
Đối với các nguồn điện khí, LNG, Thủ tướng đề nghị tính toán giá điện phù hợp theo cơ chế thị trường và tình hình cụ thể của đất nước, hài hòa lợi ích các bên. Thủ tướng khẳng định quyết tâm, quyết liệt chuyển từ nguồn điện than sang điện sạch, góp phần chống biến đổi khí hậu, tích cực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nguồn điện sạch.
Bảo đảm giá điện phù hợp cho người dân
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của EVN, PVN…, Thủ tướng tin rằng với tất cả các giải pháp, sự đổi mới cách tổ chức, cách làm của các chủ thể liên quan, thì giai đoạn 2026 – 2030 chúng ta có thể bảo đảm cung ứng điện đầy đủ.
Trong đó, lưu ý bảo đảm 5 yếu tố (nguồn, lưới, phân phối, sử dụng điện, giá điện) để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa bảo đảm tăng trưởng xanh, bảo đảm giá điện phù hợp cho người dân trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thu-tuong-yeu-cau-ban-hanh-nghi-dinh-ve-dien-mat-troi-ngay-hom-nay-232041.html