Xã Rô Men, huyện Đam Rông được ví là “thủ phủ” nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng. Những năm qua, nghề nuôi cá tầm, cá hồi đã giúp nhiều gia đình nơi đây trở nên khấm khá. Tuy nhiên, từ đầu mùa khô đến nay, dòng suối Mát đầu nguồn cung cấp nước sạch cho làng nuôi cá nước lạnh tại Rô Men đang dần cạn kiệt và nỗi lo đang hiển hiện trên những trang trại nuôi cá nước lạnh.
Gia đình anh Nông Mạnh Cường là một trong những hộ nuôi cá tầm quy mô lớn tại xã Rô Men, với tổng cộng 18 hồ bê-tông, hồ lót bạt nhựa. Để bảo đảm môi trường cho cá phát triển, mỗi hồ được anh thiết kế 4 hệ thống ống cung cấp nước. “Hiện nguồn từ suối nước Mát đang cạn dần, chỉ đủ đáp ứng 1 vòi chảy về bể. Thiếu nước nên cá bị bệnh và chết nhiều, gia đình tôi đành phải đóng cửa 10 bể nuôi”, anh Cường ngậm ngùi.
Theo anh Cường, tình trạng khan hiếm nguồn nước diễn ra vào mùa khô, tức khoảng từ tháng 12 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau. Nhất là từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ dân, doanh nghiệp tại địa phương đã đầu tư, mở rộng diện tích và quy mô nuôi cá tầm, nên tình trạng thiếu nước ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Gần trang trại của gia đình anh Cường, hộ bà Mai Thị Kim Ngọc có 10 hồ nuôi cá, với tổng diện tích khoảng 1ha, mỗi năm gia đình bà Ngọc xuống giống hơn 20 nghìn con cá tầm. Bà Ngọc chia sẻ, cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước chảy, nước sạch và nhiệt độ duy trì ở mức dưới 20 độ C. Xã Rô Men chỉ có nguồn nước từ suối Mát đáp ứng các điều kiện để nuôi cá tầm. Nhưng vào mùa khô, nước suối cạn kiệt, người nuôi cá rất lo lắng. “Năm 2024, do ảnh hưởng bởi khô hạn, nên chúng tôi buộc phải giảm công suất nuôi, chuyển cá ở 4 hồ đến trang trại khác trong tỉnh để gửi”, bà Ngọc buồn bã.
Gia đình bà Mai Thị Kim Ngọc buộc phải chuyển cá đến các trang trại khác trong tỉnh để gửi vì thiếu nước nghiêm trọng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Rô Men Lê Công Trọng cho biết, nghề nuôi cá nước lạnh tại địa phương được người dân, doanh nghiệp tập trung phát triển từ năm 2015. Ban đầu chỉ vài mô hình thử nghiệm, đến nay, toàn xã có hơn 60 hộ, công ty, hợp tác xã nuôi cá tầm, với tổng 7ha mặt nước. Đây là một trong những xã có diện tích nuôi cá nước lạnh tập trung nhiều nhất tại huyện Đam Rông.
“Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và kỹ thuật nuôi ngày càng được cải tiến, cá nước lạnh mang hiệu quả kinh tế cao, nên địa phương luôn tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp đầu tư, phát triển”, ông Trọng thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Trọng, khó khăn lớn nhất hiện nay là về mùa khô, nguồn nước suối bị giảm sút nên các hộ nuôi cá phải chia sẻ lẫn nhau để duy trì sản xuất. Mới đây, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích nuôi cá, hoặc chuyển trang trại qua nuôi các loại thủy sản khác để bảo đảm an toàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Rô Men cho biết: “Thời gian tới, chính quyền xã sẽ phối hợp cơ quan chức năng tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ liên quan đến nguồn nước trong nuôi cá nước lạnh. Từ đó, địa phương sẽ phổ biến để những người nuôi cá áp dụng vào sản xuất, tránh thiệt hại do biến đổi khí hậu”.
Phần lớn các hộ nuôi cá tầm tại xã Rô Men đều dẫn nguồn nước từ dòng suối Mát về các hồ nuôi cá. Tuy nhiên, hiện nguồn nước suối duy nhất này đang dần cạn kiệt khiến nhiều hộ lo lắng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, hiện nay, toàn huyện có hơn 15ha mặt nước nuôi cá tầm Siberi, với 83 hộ nuôi cá thương phẩm. Các xã có diện tích nuôi cá tầm tập trung lớn là Rô Men, Liêng Srônh, Đạ Tông, Đạ M’Rông và Đạ Long. Nguồn nước nuôi cá chủ yếu được dẫn từ các suối tự nhiên về các ao nuôi. Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2030, địa phương mở rộng vùng nuôi lên 50ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông Nguyễn Văn Chính đánh giá, nghề nuôi cá nước lạnh tạo ra lợi nhuận cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, song cũng còn nhiều bất cập. “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi cá thu hẹp quy mô, diện tích chăn nuôi vào mùa khô; tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, phù hợp để sử dụng nguồn nước hiệu quả, góp phần phát triển nghề cá nước lạnh tại địa phương phát triển bền vững”, ông Chính gợi mở.
Thời gian qua, nghề nuôi cá tầm đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân tại xã Rô Men, nơi được ví là “thủ phủ” cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng.
Trước thực trạng khan hiếm nguồn nước sạch phục vụ nuôi cá nước lạnh vào mùa khô Tây Nguyên, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Đam Rông phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch, đánh giá lưu lượng các dòng chảy để tạo điều kiện thu hút, hỗ trợ người chăn nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thu-phu-ca-nuoc-lanh-tai-lam-dong-lao-dao-vi-nguon-nuoc-suoi-dan-can-kiet-243035.html