Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Đinh Quốc Cử, ở xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) thuê người cắt tỉa cành, xử lý vườn sau vụ thu hoạch sầu riêng. Công việc này là để bắt đầu quy trình chăm sóc cây sầu riêng cho vụ tới.
Ông Cử có 500 cây sầu riêng giống Dona, trồng thuần trên 3ha đất. Vườn sầu riêng của ông đang cho thu hoạch năm thứ 3. Năm nay, vườn sầu riêng của ông Cử được mùa, được giá, mang lại cho gia đình khoản thu nhập cao.
Ông Cử phấn khởi cho biết: “Vụ sầu riêng năm nay, 500 cây sầu riêng cho thu hoạch được hơn 70 tấn quả, với giá cắt tại vườn 82.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình đạt hơn 5,6 tỷ đồng”.
Vườn của ông Cử có 8ha đất được ông đầu tư bài bản. Ông trồng 3 loại cây chính gồm sầu riêng, hồ tiêu, cà phê. Trong đó, ông trồng thuần 500 cây sầu riêng trên 3ha, diện tích còn lại ông trồng khoảng 4.000 cây cà phê xen 4.000 trụ tiêu.
Ông Cử ước tính năm nay trên diện tích này cho thu nhập gần 20 tấn cà phê, hồ tiêu. Với giá bán hiện nay, cà phê và hồ tiêu sẽ mang lại thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.
Để xây dựng được khu vườn bài bản, ông dựa vào các loại cây để trồng xen hay trồng thuần. Ông xác định, cà phê, hồ tiêu là những cây trồng mang lại thu nhập chính và bền vững cho gia đình.
Sầu riêng dù đã có thu nhập cao, nhưng ông vẫn xem là cây trồng tiềm năng. Ông muốn đa dạng thu nhập để giúp kinh tế gia đình bền vững.
Theo ông Cử, việc kết hợp giữa cây cà phê với cây hồ tiêu không chỉ giúp tối ưu hóa lợi nhuận mà còn tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
Trồng xen canh giúp vườn duy trì độ phì nhiêu của đất, cải thiện hệ sinh thái nông nghiệp và bảo vệ môi trường, giảm thiểu được các rủi ro. “Cách làm này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp tôi phát triển sản xuất bền vững”, ông Cử cho hay.
Việc chăm sóc cây sầu riêng đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật. Do đó, ông Cử phải thực hiện các biện pháp bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành và phòng trừ sâu bệnh một cách hợp lý. Ông chọn cách trồng thuần sầu riêng để áp dụng cách chăm sóc bài bản, hiệu quả nhất.
Điều này còn giúp gia đình ông Cử phân bổ công việc chăm sóc các loại cây trồng một cách hợp lý, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên quanh năm, có điều kiện để tái đầu tư sản xuất.
Để phát triển bền vững và giảm bớt chi phí đầu vào, gia đình ông Cử đã ủ hoai mục các loại phế phẩm nông nghiệp để làm phân chăm sóc các loại cây trồng.
Cách làm này cũng giúp gia đình ông sản xuất theo hướng an toàn. Ông thu hái, bảo quản sản phẩm đúng cách để nâng cao giá trị. Quy trình sản xuất giúp vườn ông Cử đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đặng Tiến Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp đánh giá, vườn mẫu của ông Cử được đầu tư bài bản. Vườn đạt tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập cao hơn 4 lần so với các vườn sản xuất thông thường trên địa bàn. Vườn có hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk R’lấp, phong trào xây dựng vườn rẫy kiểu mẫu trên địa bàn huyện được người dân đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng thời gian qua.
Huyện có nhiều vườn rẫy mẫu được đầu tư bài bản, mang thu nhập cao, trong đó nổi bật là vườn của ông Đinh Quốc Cử. Tuy nhiên, để xét công nhận vườn mẫu thì một số vườn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
Chính vì thế, số lượng vườn được công nhận đạt kiểu mẫu chưa nhiều. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp -PTNT sẽ hướng dẫn người dân sản xuất đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu để đủ điều kiện công nhận vườn rẫy kiểu mẫu trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thu-nhap-8-ty-dong-nam-tu-vuon-kieu-mau-224969.html