Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định rút khỏi vai trò chủ trì các cuộc họp về COP16 dự kiến tổ chức tại nước này “do tình huống bất khả kháng nảy sinh từ 3 trận động đất thảm họa xảy ra tháng 2/2023.”
Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không thể đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học (COP16) vào năm 2024 do nước này vẫn đang trong quá trình khắc phục hậu quả từ trận động đất kinh hoàng hồi đầu năm.
Cơ quan theo dõi Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học (CBD) cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định rút khỏi vai trò chủ trì các cuộc họp về COP16 dự kiến tổ chức tại nước này “do tình huống bất khả kháng nảy sinh từ 3 trận động đất thảm họa xảy ra tháng 2/2023.”
Trong bức thư được công bố trên trang thông tin điện tử vào tuần này, CBD cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã “bày tỏ lấy làm tiếc” khi phải quyết định từ bỏ vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán COP16, dự kiến diễn ra từ ngày 21/10-1/11 năm sau.
CBD cũng đang liên hệ với các nước khác để thay Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm vai trò này.
Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán tại COP16 tới nhằm tìm cách triển khai thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại hội nghị trước đó tổ chức tại thành phố Montreal, Canada vào tháng 12 năm ngoái.
Nội dung của thỏa thuận tại COP15 hướng tới việc cứu các vùng đất, đại dương và các loài sinh vật của Trái đất khỏi ô nhiễm, suy thoái và khủng hoảng khí hậu.
Thỏa thuận tại COP15 được đánh giá là “một hiệp ước hòa bình với thiên nhiên,” có ý nghĩa như thỏa thuận mang tính bước ngoặt về ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được tại Paris vào năm 2015.
Hơn 190 quốc gia đã cam kết tham gia vào quá trình đa dạng sinh học của Liên hợp quốc trong thỏa thuận này.
Theo thỏa thuận trên, các nước cam kết đảm bảo 30% diện tích hành tinh là khu vực được bảo vệ vào năm 2030.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận kéo dài trong 4 năm, bị gián đoạn bởi dịch COVID-19 cùng các vấn đề bất đồng giữa các nước./.