Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh nước này có tiềm năng đưa EU trở thành một thế lực toàn cầu trước mọi thách thức hiện có, chủ yếu trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng, biến đổi khí hậu, kinh tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/9 tuyên bố nước này có thể “chia tay” với Liên minh châu Âu (EU) nếu thấy cần thiết sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua báo cáo mới về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu trước chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố EU đang tiến hành các bước đi tự xa cách với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá về những diễn biến này và nếu cần thiết, chúng tôi có thể chia tay EU”
Trước đó, chính quyền Ankara đã chỉ trích báo cáo của Nghị viện châu Âu về Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tài liệu này “chứa đầy những cáo buộc không công bằng và thành kiến dựa trên thông tin sai lệch từ lực lượng chống Thổ Nhĩ Kỳ.”
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng báo cáo được thông qua vào thời điểm cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và an ninh của lục địa và “khi cánh cửa cơ hội đã mở ra để khôi phục quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, Nghị viện châu Âu lại đưa ra một chương trình nghị sự khác thay vì đàm phán về các vấn đề liên quan (Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU).”
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh nước này có tiềm năng đưa EU trở thành một thế lực toàn cầu trước mọi thách thức hiện có, chủ yếu trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng, biến đổi khí hậu và kinh tế. Để nhận ra những thực tế này, cần phải có cách tiếp cận hướng tới tương lai, không bị ảnh hưởng bởi lợi ích hạn hẹp của một số nhóm nhất định.
Báo cáo thường niên của Nghị viện châu Âu (EP) về quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua với 434 phiếu ủng hộ, 18 phiếu chống và 152 phiếu trắng, tuyên bố rằng “trừ khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi hoàn toàn đường hướng, quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục trong hoàn cảnh hiện tại.” EP cũng kêu gọi EU tìm kiếm một khuôn khổ thực tế hơn cho mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ nộp hồ sơ gia nhập EU vào năm 1987 và được công nhận là ứng cử viên 12 năm sau đó. Mặc dù các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đã được tiến hành vào năm 2005 nhưng tiến độ diễn ra rất chậm và quá trình này đã bị đóng băng kể từ năm 2016./.