Mất cân bằng sinh thái
Phá rừng được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng sinh thái, làm gia tăng mức độ tác động của thiên tai ở Đắk Nông.
Khi rừng bị chặt phá để lấy gỗ hoặc để lấy đất sản xuất, khả năng hấp thụ CO2 của trái đất bị giảm sút, góp phần vào hiệu ứng nhà kính và làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
Khi rừng bị phá, đất dễ bị xói mòn, dẫn đến lũ lụt và sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng đến người, tài sản.
Giai đoạn 2021 – 2024, tình trạng phá rừng vẫn xảy ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, năm 2021, phá rừng trái pháp luật xảy ra 348 vụ, thiệt hại 82,4ha; năm 2022, xảy ra 333 vụ, thiệt hại 67,8ha; năm 2023, xảy ra 96 vụ, thiệt hại 20,2ha.
Những tháng đầu năm 2024, tình trạng phá rừng ở Đắk Nông có chiều hướng gia tăng. Toàn tỉnh xảy ra 96 vụ phá rừng trái pháp luật, với diện tích thiệt hại 24,10ha. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ phá rừng tăng 5,8%; diện tích rừng thiệt hại tăng 19,1%.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đắk Nông phân tích, rừng suy giảm, thay vào đó là các công trình xây dựng, các vườn rẫy sản xuất nông nghiệp mọc lên.
Ki lượng mưa đổ xuống ít được thẩm thấu vào đất do không còn lớp thực bì, lượng nước mưa sẽ đổ thẳng ra sông, suối nhanh hơn, tạo thành dòng chảy lớn, gây ngập úng cục bộ, lũ quét, sạt lở đất.
Ngoài phá rừng, mạch nước ngầm cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Gia đình anh T.X.H ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil có 2ha đất trồng cây lâu năm. Để chủ động nước tưới vào mùa khô, anh H đã thuê thợ khoan giếng trong rẫy.
Anh H cho biết, giếng đầu tiên khoan với độ sâu 130m nhưng không đủ nước tưới. Anh tiếp tục khoan giếng thứ 2 sâu 150m nhưng cũng không đủ nước tưới.
Đến nay, trong rẫy anh đã khoan 4 giếng nhưng mùa khô vừa rồi vẫn thiếu nước. Giếng không đủ nước tưới nên đã bỏ hoang. “Tôi đang liên hệ thuê thợ để tiếp tục khoan giếng mới với độ sâu khoảng 200m để chủ động nước tưới vào mùa khô cho cây trồng”, anh H cho biết.
Theo báo cáo sơ bộ của ngành chức năng, riêng tại huyện Đắk Mil đã có hơn 1.000 giếng khoan phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc khoan giếng đã tác động lớn đến mạch nước ngầm trên địa bàn.
Việc tự do khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Đắk Mil cũng như trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang dẫn đến tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng các mạch nước ngầm.
Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả môi trường và đời sống người dân. Việc khai thác nước ngầm không kiểm soát dẫn đến khô cạn nhiều giếng nước, làm suy giảm nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Ngoài phá rừng, khai thác mạch nước ngầm, việc lấn chiếm sông suối, hủy hoại đất đai đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây ra những tác động nghiêm trọng đến thiên nhiên.
Tất cả những hành động này không chỉ làm suy yếu khả năng tự phục hồi của môi trường mà còn đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người và các loài sinh vật khác.
Do tác động tiêu cực từ con người
Các tác động của con người lên môi trường tự nhiên đang làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thiên tai khiến thiên tai khó lường và khó dự báo hơn trước.
Theo công thức tính toán truyền thống về lượng mưa của Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, dựa vào chiều dài dòng chảy, độ rộng lưu vực lượng mưa sẽ tính toán được thời gian bao lâu lượng nước sẽ về tới hạ lưu và mực nước bao nhiều để cảnh báo cấp độ lũnhưng hiện nay không còn thuần túy như thế. Bây giờ có nhiều tác động bởi con người khiến dự báo khó khăn hơn, dòng chảy khó lường và lượng nước về nhanh hơn, khó dự báo hơn.
Ông Bính cho biết thêm, sự tác động của con người vào thiên nhiên khiến công tác dự báo trở nên khó khăn hơn vì không còn đúng với quy luật tự nhiên nữa. Đơn cử như năm 2023, mưa lớn khiến nước dâng cao đột ngột. Một số điểm ngập lụt xảy ra ở các phường Nghĩa Tân, Nghĩa Trung, Nghĩa Đức và Quảng Thành có 64 căn nhà bị ngập lụt. Khu vực bị ngập lụt nhiều nhất ở các phường Nghĩa Tân, Quảng Thành và Nghĩa Trung.
Ông Mai Văn Nguyên, người dân tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa) cho rằng, một phần của nguyên nhân làm cho nước lũ lên nhanh, ngập nhanh chính là việc dòng suối bị thu hẹp bởi sự tác động của việc lấn dòng. Nhiều nơi hai bên dòng suối đổ đất, xây công trình lấn dòng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, tốc độ thoát nước…
Nói về việc ngập lụt ở TP. Gia Nghĩa, ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông cho rằng, theo tính toán và dự báo, lượng mưa không gây ngập lớn như thế nhưng ngoài yếu tố mưa có thể lý giải một số nhân làm đỉnh lũ lên nhanh do sự tác động của con người lên phía hạ lưu, tắc nghén dòng chảy.
Trong 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hạn hán, ngập lụt, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn về diễn biến và nghiêm trọng hơn về hậu quả. Theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, cùng với tình trạng chặt phá rừng tự nhiên khai thác gỗ và chuyển đất rừng sang canh tác nông nghiệp diễn ra phổ biến làm cho trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm suy giảm nghiêm trọng, hạn hán xảy ra gay gắt, kéo dài liên tiếp, gây tổn thất nặng nề đến kinh tế – xã hội của tỉnh.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai và hạn hán khốc liệt gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Mưa lũ kéo dài năm 2023 đã gây ra hiện trượt sạt lở đất, ngập lụt làm 2 người thiệt mạng và thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng và tài sản của người dân, ước tính thiệt hại về kinh tế trên 1.000 tỷ đồng.
Để giảm thiểu tác động của thiên tai và bảo vệ môi trường, cần có những biện pháp kịp thời và hiệu quả như tăng cường bảo vệ rừng, sử dụng đất bền vững, quản lý tài nguyên nước hợp lý và giảm thiểu khí thải nhà kính. Chỉ khi con người thay đổi cách thức tương tác với thiên nhiên, mới có thể tạo ra một tương lai bền vững và an toàn hơn cho mọi người.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thien-tai-dau-chi-do-troi-225327.html