Nối nghiệp của gia đình, anh Trần Văn Tập, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã quyết định lập nghiệp với nghề trồng hoa hồng. Với kinh nghiệm của bố mẹ, anh Tập còn mày mò, học hỏi thêm trên sách vở, mạng internet về các giống, loại hoa hồng mới, cách chăm sóc, hạn chế sâu bệnh cho cây.
Quá trình phát triển kinh tế, anh Tập muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng nguồn vốn còn hạn chế nên chưa thể triển khai. Từ nhu cầu của chàng trai trẻ, Huyện đoàn Đắk R’lấp đã giới thiệu, hỗ trợ thủ tục để anh Tập được tiếp cận Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông do Tỉnh đoàn Đắk Nông quản lý.
Với 90 triệu đồng tiền vốn vay, anh Tập đã dùng để đầu tư chăm sóc, cải tạo lại vườn, mở rộng thêm khoảng 15.000 gốc hồng với hơn 20.000 gốc hồng có sẵn của mình. Nhờ chăm chỉ, biết dùng nguồn vốn hiệu quả, anh Tập đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng hoa hồng của mình. Anh Tập trở thành tấm gương khởi nghiệp từ nông nghiệp được nhiều bạn trẻ địa phương đến tham quan, học hỏi.
Anh Tập cho biết, tôi rất vui khi được các cấp bộ đoàn trong huyện, tỉnh quan tâm, hỗ trợ. Cùng với nguồn vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, lập nghiệp, được giao lưu với những bạn trẻ cùng khởi nghiệp trên các lĩnh vực, giúp tôi học hỏi được rất nhiều.
Anh Nguyễn Anh Dũng, thôn 7, xã Nhân Cơ là 1 điển hình về tinh thần vượt khó, khởi nghiệp. Mới 33 tuổi nhưng anh Dũng đã phát triển hệ thống Trung tâm Anh ngữ Be Happy với 3 cơ sở tại 2 huyện Đắk R’lấp và Đắk Song. Để có được thành công như hiện tại, anh Dũng từng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đi lên bằng 2 bàn tay trắng. Tích góp đồng lương sau 4 năm làm giáo viên dạy hợp đồng tại 1 trường tiểu học, thanh niên quê gốc Hải Phòng từng bước mở lớp dạy ngoại ngữ đầu tiên vào năm 2018, lấy chất lượng và trách nhiệm để tạo dựng uy tín. Năm 2023, anh Dũng được tiếp thêm động lực khi Huyện đoàn Đắk R’lấp tạo điều kiện làm hồ sơ, vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp để đầu tư thêm trang thiết bị cho trung tâm.
Từ số vốn vay được, anh Dũng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và hợp đồng với đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, trình độ cao, trong đó có cả giáo viên người nước ngoài. Từ 1 cơ sở, 30 học viên ban đầu, đến nay, hệ thống trung tâm của anh Dũng có 3 cơ sở, 40 lớp học, 12 giáo viên, nhân viên thu hút hơn 500 học viên. “Nguồn vốn vay khởi nghiệp của tổ chức đoàn đã giúp ích cho tôi trong quá trình đầu tư, phát triển, mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ như tôi được hỗ trợ nguồn vốn để khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, anh Dũng chia sẻ.
Những người trẻ với ưu điểm có kiến thức chuyên môn, nhạy bén thị trường… đã và đang tự tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo thu nhập từ các tiềm năng, lợi thế tại địa bàn sinh sống. Quá trình này, các nguồn vốn hỗ trợ qua Đoàn Thanh niên như vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn từ Quỹ Thanh niên khởi nghiệp như “bà đỡ” cho các dự án, mô hình mới.
Anh Tôn Đức Bảo, Bí thư Huyện đoàn Đắk R’lấp cho biết, đến nay, toàn huyện đã có 17 mô hình, dự án được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông với tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Các mô hình chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giáo dục và nghề truyền thống. Qua sử dụng nguồn vốn, các mô hình đã bước đầu phát huy hiệu quả, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Qua đó, giải quyết thêm nhiều việc làm, đoàn kết tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động đoàn, hội tại địa phương.
Nguồn: https://baodaknong.vn/them-tro-luc-de-thanh-nien-dak-r-lap-khoi-nghiep-235856.html