Nét đẹp văn hóa DTTS ở Đắk Mil
Thông qua tiết mục trình diễn chiêng và múa của người M’nông với bài “Ching ngăn – Chào khách” tại Chương trình trình diễn, tái hiện các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Đắk Mil năm 2024, các nghệ nhân bon Sa Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil tự hào truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. Với quan niệm “khách vào bon như con vào bụng” cho nên người M’nông không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo…
Tất cả đều được bon chủ nhà chào đón nồng nhiệt. Trong không khí vui tươi, náo nhiệt cùng với tiếng chiêng nghi thức chào đón trang trọng và hiếu khách.
Tương tự, các nghệ nhân xã Đắk Sắk thể hiện những giai điệu độc đáo, mang âm hưởng đại ngàn với tiết mục trình diễn cồng chiêng M’nông bài “Pich tơ trơ”.
Không chỉ có các tiết mục của đồng bào các DTTS tại chỗ, đồng bào Tày, Nùng, Dao… trên địa bàn huyện Đắk Mil cũng mang đến nhiều loại hình văn hóa đặc sắc, độc đáo.
Các nghệ nhân xã Đắk N’Drót truyền tải tâm tư tình cảm trong cuộc sống, tạo nên cảm giác bâng khuâng lưu luyến trong tiếng đàn Tính hát Then của bài “Theo Đảng tiến bước ta đi của đơn vị”. Với bài “Mừng lễ hội”, đồng bào Tày, Nùng xã Long Sơn trình diễn những điệu múa sư tử đặc sắc…
Đó là những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Đắk Mil đem đến trong Chương trình trình diễn, tái hiện các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Đắk Mil năm 2024.
Chương trình được UBND huyện Đắk Mil tổ chức, có sự tham gia của hơn 100 nghệ nhân, diễn viên không chuyên trách đến từ các xã: Thuận An, Đức Minh, Long Sơn, Đắk Sắk, Đắk R’la, Đắk N’Drót, Đắk Gằn, thị trấn Đắk Mil và trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đắk Mil.
Các tiết mục trình diễn, tái hiện nét văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn huyện như: đánh chiêng và múa của người M’nông; đàn tính, hát then của người Tày; múa của người Khmer; múa sư tử của người Tày, Nùng; múa xòe Thái… Chính các điệu múa, tiếng chiêng, lời ca ấy là cách giáo dục thế hệ trẻ hướng về nguồn cội.
Học sinh H’Him, dân tộc M’nông, lớp 12 trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đắk Mil chia sẻ: “Em rất thích các tiết mục múa của các DTTS. Em rất sự ấn tượng về những nét đẹp riêng, độc đáo của các dân tộc qua từng tiết mục. Đặc biệt là các tiết mục của các cô chú, anh chị ở bon Sa Pa, xã Thuận An giúp em hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình”.
Phát huy nguồn lực từ Dự án 6
Chương trình trình diễn, tái hiện các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Đắk Mil năm 2024 là một trong những nội dung UBND huyện Đắk Mil triển khai thực hiện Chương trình 1719.
Qua đó giới thiệu, quảng bá rộng rãi các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về bản sắc văn hóa của các dân tộc; ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản văn hóa trong đời sống tinh thần của Nhân dân.
Chương trình tạo cơ hội cho các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, người thực hành di sản được thể hiện tài năng, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần hiệu quả trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Huyện Đắk Mil có hơn 22.000 người DTTS, với 19 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên bức tranh văn hoá đặc sắc, đa dạng, nhiều màu sắc. Thời gian qua, địa phương lồng ghép các nguồn lực, thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS.
Từ năm 2022 – 2024, tổng vốn sự nghiệp được giao triển khai thực hiện Dự án 6 Chương trình 1719 trên địa bàn huyện Đắk Mil là hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân gần 1,9 tỷ đồng.
Nguồn: UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông
Đến nay, Đắk Mil đã phục dựng Lễ hội Lồng Tồng tại xã Long Sơn; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại bon Jun Júh, xã Đức Minh.
Địa phương hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại bon Đắk Krai, xã Đắk Gằn; xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa bon Sa Pa và Bu Đắk, xã Thuận An; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 2 đội văn nghệ truyền thống bon Jun Júh, xã Đức Minh và các thôn Tây Sơn, Đông Sơn, xã Long Sơn. Huyện tổ chức chương trình trình diễn, tái hiện văn hóa phi vật thể của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2024…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Phan Bá Tịnh nhấn mạnh, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, huyện Đắk Mil tiếp tục tăng cường tuyên truyền. Đây là yếu tố quan trọng để mỗi người dân, gia đình, cộng đồng hiểu rõ về giá trị của di sản văn hoá của dân tộc mình. Từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, giáo dục các thế hệ trẻ về ý nghĩa của các lễ hội, phong tục, tập quán, nghệ thuật dân gian và ngôn ngữ của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Huyện quan tâm khôi phục và phát huy các hình thức nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công, ngôn ngữ của các DTTS. Các cấp, các ngành xây dựng các chương trình hỗ trợ các nghệ nhân, các nghề truyền thống, tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ tham gia vào việc học hỏi và bảo tồn các nghề thủ công, nghệ thuật biểu diễn.
Chính quyền các cấp, ngành chức năng chú trọng tạo ra các không gian văn hoá, tổ chức các sự kiện, lễ hội để giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá đặc sắc của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Từ những người làm công tác văn hoá, các cấp chính quyền cho đến mỗi công dân, đều có trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc. Đặc biệt, các thế hệ trẻ – những người tiếp nối và bảo tồn di sản này cho tương lai cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị văn hoá phi vật thể…
Nguồn: https://baodaknong.vn/them-tro-luc-bao-ton-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-o-dak-mil-236974.html