Mới đây, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Nghệ An vừa công bố kết luận thanh tra Ngân hàng TMCP Á Châu, Chi nhánh Nghệ An (ACB Nghệ An). Kết quả thanh tra cho thấy nhiều hạn chế, thiếu sót trong hoạt động cấp tín dụng tại chi nhánh này.
Kết luận thanh tra nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của ACB Nghệ An về chất lượng công tác thẩm định, xét duyệt cho vay; kiểm tra giám sát cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.
Theo đó, ACB Nghệ An thẩm định và quyết định cho vay đối với một số khách hàng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã sửa đổi, bổ sung). Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay đối với một số khách hàng chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời các tài liệu theo quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An yêu cầu ACB Chi nhánh Nghệ An thực hiện kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan đến các tồn tại, sai sót, thực hiện trước 31/1/2025. Đồng thời, đơn vị rà soát và có các ứng xử tín dụng để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cho vay, thực hiện trước 31/1/2025.
Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu ACB chi nhánh Nghệ An thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, thực hiện trước 31/3/2025.
Nợ xấu tăng, ACB lại giảm trích lập dự phòng
Theo BCTC quý 4/2024 đã công bố, năm 2024, ACB ghi nhận thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 16.790 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của ACB, nhưng chỉ hoàn thành 95,5% kế hoạch năm đề ra (22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).
Ngoài các chỉ tiêu về lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng… thì chất lượng nợ vay cũng được nhiều người quan tâm. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt 580.686 tỷ đồng, tăng gần 100.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 19%. Trong cơ cấu cho vay, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, tới 67% tổng dư nợ. Tổng tiền gửi khách hàng tại ACB đạt 537.304 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cũng đi kèm với chất lượng nợ cho vay suy giảm. Tổng nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) của ACB ghi nhận 8.649 tỷ đồng, tăng tới 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,22% đầu năm lên 1,51%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 của ACB tăng 74%, từ 3.870 tỷ đồng lên 6.735 tỷ đồng, cho thấy những thách thức từ môi trường kinh doanh và chất lượng tín dụng.
Trong danh mục nợ xấu, nợ nhóm 5 là yếu tố đáng quan ngại nhất do khả năng thu hồi thấp, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Nợ nhóm 5 tăng cao đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, kéo theo lợi nhuận bị bào mòn đáng kể.
Tuy nhiên, dù nợ xấu tăng, ACB lại giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 1.606 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, tương ứng giảm khoảng 200 tỷ đồng. Giảm trích lập khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB chỉ đạt hơn 78% thời điểm cuối quý 4/2024. Việc giảm trích lập dự phòng đã hỗ trợ tích cực cho kết quả lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2024.
Dự báo triển vọng năm 2025, công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) dự phóng thu nhập lãi thuần của ACB sẽ tăng trưởng mức 13,5%. Đồng thời kỳ vọng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 14% với động lực từ công ty chứng khoán ACBS, mảng thanh toán thẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng, các loại phí đi kèm với các sản phẩm tin dụng và tăng trưởng tốt hơn từ mỏng thu hồi nợ.
Dù vậy, năm 2025 vẫn sẽ là một năm thách thức với vấn đề từ thu hồi nợ, tổ chức này dự phóng tỷ lệ nợ xấu của ACB có thể sẽ tăng 10 điểm cơ bản.
Ngoài những chỉ số không đẹp trong báo cáo tài chính của Ngân hàng ACB, vào ngay những ngày đầu năm 2025, Ngân hàng ACB nhận những tin đồn xấu liên quan tới ông Trần Hùng Huy. ACB đã phát đi thông báo khẳng định những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này là tin bịa đặt.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thanh-tra-chi-ro-han-che-thieu-sot-trong-hoat-dong-cho-vay-tai-acb-nghe-an-242901.html