Năm 2022, gia đình ông Y Chơih, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song thuộc diện hộ nghèo. Đến năm 2023, gia đình ông đã thoát khỏi diện nghèo.
Ông Y Chơih chăm chỉ làm ăn, sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội vào chăm sóc cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, nên có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá.
Ông Y Chơih cho biết: “Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Sau khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 50 triệu đồng, tôi mua phân bón, vật tư chăm sóc cà phê. Năm nay cà phê được giá nên gia đình cũng đỡ vất vả”.
Theo ông Y Chơih, bên cạnh được vay vốn, gia đình ông còn được Nhà nước cấp 1 con bò giống để tạo sinh kế, đa dạng nguồn thu nhập.
Còn gia đình bà Hà Thị Nguyên, người dân tộc Thái, bon Bu Păh, xã Trường Xuân được Nhà nước hỗ trợ cho vay 25 triệu đồng vốn chính sách để làm nhà ở.
Bà còn được địa phương cấp 3 con heo giống. Đặc biệt, bà Nguyên còn được 5 đảng viên của xã giúp đỡ xây dựng mô hình nuôi cá, cấp phân bón trong 2 năm. Đến nay, gia đình bà Nguyên đã thoát nghèo bền vững. Bà có điều kiện để nuôi hai người con ăn học.
Bà Nguyên cho hay: “Trong suốt 2 năm qua, gia đình tôi được hỗ trợ phân tro, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê, tiêu, sử dụng hiệu quả vốn vay. Từ đó, kinh tế gia đình dần ổn định, có điều kiện lo cho các con học đại học”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, xã có 3.331 hộ, với 12.834 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%.
Những năm gần đây, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, được cấp cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên đời sống ngày một cải thiện.
Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ dân trên địa bàn xã đạt trên 100 tỷ đồng. Nhiều gia đình có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn này.
Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm, hộ khá giàu tăng. Theo thống kê đầu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của xã Trường Xuân là 236 hộ /1.057 khẩu, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 168 hộ/744 khẩu.
Cũng như xã Trường Xuân, những năm qua, tỷ lệ giảm nghèo ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đắk Môl được kéo giảm từng năm. Năm 2022, toàn xã có 70 hộ thoát nghèo; năm 2023, có 41 hộ.
Ông Nguyễn Văn Giảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Môl cho biết thêm: “Xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cố gắng lao động sản xuất và phát huy nội lực, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ông Bùi Ngọc, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Đắk Song cho hay, năm 2023, huyện đề ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%. Qua rà soát, huyện đã giảm được 1,22% (tương đương với hơn 240 hộ nghèo).
Để đạt được kết quả này, Đắk Song đã tập trung vào chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, địa phương chú trọng khơi gợi ý thức thoát nghèo của người dân.
Một trong số những cách làm để giảm nghèo hiệu quả là mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo”. Trong đó, cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ đã trực tiếp hỗ trợ người dân sinh kế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. xóa bỏ các hủ tục…
Thời gian tới, huyện sẽ bóc tách, phân loại hộ nghèo để có phương án, chương trình hỗ trợ phù hợp, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo của toàn giai đoạn”, ông Ngọc cho hay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tao-sinh-ke-de-dong-bao-vung-xa-dak-nong-thoat-ngheo-227352.html