Lợi ích kép từ xen canh
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đắk Nông hiện có 143.000ha cà phê, trong đó diện tích trồng xen với các loại cây khác khoảng 60.000ha.
Xen canh mang lại nhiều ưu điểm, vừa giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, vừa giúp vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt hơn, thích ứng hiệu quả với thời tiết.
Gia đình anh Đỗ Văn Bình ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có hơn 5ha đất sản xuất. Ngoài cà phê, anh Bình đã trồng xen nhiều loại cây có giá trị kinh tế như: sầu riêng 600 cây, bơ 034 trên 600 cây và các loại cây ăn trái như xoài, sapoche, ổi…
Để việc chăm sóc mô hình đa cây thuận tiện, dễ dàng, anh đã áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến như: hệ thống nước tưới tự động; cây nào cần nước nhiều thì tưới nhiều, các loại cây cần ít nước anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Đối với giải pháp giảm thiểu chi phí đầu tư, anh Bình dùng phân chuồng và các loại phân vi sinh để bón cho cây, cải thiện tình trạng bạc màu đất và cung cấp chất dinh dưỡng để cây phát triển xanh tốt hơn.
Theo anh Bình, vụ mùa vừa qua, gia đình anh đã thu hoạch trên 15 tấn sầu riêng, trên 20 tấn bơ và trên 50 tấn cà phê tươi, với tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng.
“Việc trồng bơ, hồ tiêu xen trong vườn cà phê có nhiều thuận lợi. Trong đó, việc bón phân cho cà phê, hồ tiêu thì cây bơ cũng được hưởng lợi để phát triển. Đặc biệt, trồng cây bơ vừa che bóng, chắn gió, giữ ẩm nên lượng nước tưới cho cà phê vào mùa khô cũng ít hơn so với trồng thuần”, anh Đỗ Văn Bình cho biết.
Còn gia đình anh Điểu Suốt, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức có 2ha đất trồng cà phê. Những năm vừa qua, anh Suốt đã tiến hành trồng xen khoảng 1.000 cây điều ghép và hơn 100 cây mắc ca trong vườn cà phê.
Anh Điểu Suốt cho hay: “Mấy năm nay, cây điều và cây mắc ca mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, khi được xã tuyên truyền trồng cây gây rừng, tôi đã mua các loại giống cây này về trồng để tăng độ che phủ rừng và phát triển kinh tế”.
Theo UBND xã Đắk Ngo, cây điều và cây mắc ca có những lợi thế như dễ trồng, phù hợp với trình độ canh tác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vốn đầu tư ít và nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như giá trị kinh tế cao. Do đó, địa phương luôn quan tâm đầu tư, phát triển loại cây này.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, trồng xen cây bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mít trong vườn cà phê có tác dụng tốt trong việc điều hòa điều kiện tiểu khí hậu vườn cây.
Xen canh giúp tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết vào mùa khô góp phần gìn giữ cân bằng môi trường sinh thái, giúp cho vườn cà phê sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Qua thực tế, tại các nông hộ trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê với mật độ 90 cây/ha đã làm tăng thêm thu nhập từ 60 – 150%; trồng xen bơ với cà phê tăng thu nhập từ 40 – 90%.
Điển hình có nhiều hộ dân trồng tiêu bám trên cây trụ sống xen trong vườn cà phê với mật độ 160 – 280 cây/ha giúp tăng thu nhập từ 40 – 120%…
Thích ứng tốt với biến đổi khí hậu
Theo đánh giá của Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, xen canh mang lại nhiều ưu điểm. Khi xen canh, nông dân giảm chi phí đầu tư từng loại cây trồng, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, từ 3 – 5 lần so với trồng thuần cà phê.
Chính vì vậy, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển cây đa mục đích, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng. Tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô… chú trọng nhiều đến phát triển mô hình nông lâm kết hợp.
Ngoài tuyên truyền, vận động người dân đưa cây đặc sản, cây đa mục đích vào trồng, các địa phương còn tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tại Đắk Nông, bình quân lợi nhuận trong vườn trồng thuần cà phê là 42,4 triệu đồng/ha. Nếu trồng xen với các loại cây trồng khác, lợi nhuận vườn cà phê tăng lên 65 triệu đồng/ha.
Tương tự, lợi nhuận cây điều tăng từ 46 triệu đồng/ha lên 85 triệu đồng/ha; hồ tiêu từ 65 triệu đồng/ha tăng lên 75 triệu đồng/ha; sầu riêng từ 80 triệu đồng/ha tăng lên 300 triệu đồng/ha và các loại cây trồng khác cũng tăng từ 70 – 100 triệu đồng/ha.
Việc trồng xen còn tăng hiệu quả cao hơn ở những vùng mà nông dân áp dụng biện pháp xen canh hợp lý, tuân thủ định hướng phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái của địa phương.
Lợi nhuận từ cây đa mục đích mang lại cao hơn cây cà phê từ 10 – 40 triệu đồng/ha, tùy theo loại cây. Hiện nay, để cây đa mục đích góp phần giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng, ngành chuyên môn và các địa phương cần có giải pháp phát triển mô hình nông lâm kết hợp hợp lý, xây dựng thị trường đầu ra ổn định, giúp cây đa mục đích phát triển bền vững.
Cũng theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc xen canh theo hướng nông lâm kết hợp còn có tác dụng giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất.
Các xác bã thực vật chết từ cây xen canh sẽ cung cấp thêm từ 24 – 26% hàm lượng chất hữu cơ trong đất và hạn chế, phân tán các loại sâu bệnh gây hại cho vườn cà phê.
Qua thực tế sản xuất, ở các nhà vườn áp dụng biện pháp xen canh cây ăn trái không những giúp năng suất cà phê tăng từ 25 – 30% mà còn góp phần che bóng, chắn gió, giữ ẩm, chống hạn cho vườn cà phê.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, toàn tỉnh có khoảng 56.239ha cây đa mục đích, trong đó có 6.749ha điều, 562ha cao su, 7.311ha sầu riêng, 5.062ha bơ, 5.624ha cây mắc ca và các cây trồng khác…
Nguồn: https://baodaknong.vn/tang-do-am-can-bang-sinh-thai-nho-xen-canh-249083.html