Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng đệm nói chung, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đặc biệt chú trọng đến đối tượng là học sinh trên địa bàn, chủ động phối hợp với ngành giáo dục, các trường học để xây dựng phương án, tổ chức các đợt trải nghiệm thực tế nhằm tăng cường giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học trong đối tượng học sinh hiệu quả hơn.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có diện tích tự nhiên hơn 23 nghìn ha, trải rộng trên 10 xã, thuộc 3 huyện, bao gồm: xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong); các xã Đăk Hòa, Đăk Mol và Nâm N’Jang (huyện Đăk Song) và các xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Nam Đà, Đắk Sôr và Buôn Choah (huyện Krông Nô), tỉnh Đắk Nông.
Nơi đây có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới có mức độ đa dạng sinh học rất cao; là nơi phân bố của nhiều loài động vật quý hiếm hiện có trong Sách đỏ Việt Nam như: bò tót, báo gấm, vượn đen má vàng, voọc chà vá, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ… và các loài thực vật quý, hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng gồm: cẩm lai, giáng hương, kim giao, thông tre, gõ đỏ, trầm hương, du sam… với hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Sêrêpôk và lưu giữ nước cho một số hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Do đó, việc bảo tồn và phát triển rừng, đa dạng sinh học tại đây được đơn vị xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình hoạt động.
Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Nguyễn Văn Mạnh cho biết, diện tích tự nhiên của đơn vị trải rộng, tiếp giáp với nhiều địa phương, trong đó tại khu vực vùng đệm có hàng trăm hộ dân, nhất là dân di cư tự do sinh sống rải rác gần rừng nên công tác quản lý bảo vệ rừng tại đơn vị gặp nhiều khó khăn, nguy cơ xâm hại đến bảo tồn đa dạng sinh học là rất lớn.
Trước thực trạng đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm về nhận thức pháp luật, các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để người dân hiểu, không vi phạm pháp luật, không xâm hại đến rừng…thì đơn vị còn xác định người dân vùng đệm có vai trò hết sức quan trọng, dựa vào dân, lấy nhân dân làm “tai mắt” trong việc cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, người dân cũng là lực lượng “thường trực” tại khu vực vùng đệm nên đơn vị đã xây dựng phương án, kế hoạch, ký kết với cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia quản lý bảo vệ rừng, đơn vị cũng đã tiến hành hỗ trợ người dân vùng đệm thông qua các dự án để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống được tốt hơn. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, người dân vùng đệm luôn đồng hành cùng lực lượng bảo vệ rừng của Khu bảo tồn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn được bảo vệ tối đa.
Những năm gần đây, ngoài hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng chung cho tất cả các đối tượng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đặc biệt quan tâm đến đối tượng là học sinh tại các xã thuộc vùng đệm. Cụ thể, đơn vị đã chủ động phối hợp với các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trên địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch, hàng năm tổ chức nhiều chuyến trải nghiệm thực tế cho học sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Trong quá trình trải nghiệm, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn học sinh nhận biết về môi trường tự nhiên, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học, vai trò của môi trường tự nhiên đối với đời sống con người, vai trò của rừng tự nhiên đối với việc giảm phát thải khí nhà kính; cách nhận biết các loài động, thực vật trong tự nhiên, nhất là các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn…
Trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp trải nghiệm thực tế tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung để tuyên truyền giáo dục môi trường cho học sinh từ 13-18 tuổi của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn các xã thuộc vùng đệm. Theo đánh giá của các trường học, sau khi kết thúc trải nghiệm các em học sinh có tinh thần phấn khởi, yêu thiên nhiên hơn, có ý thức hơn trong việc bảo vệ cảnh quan trường học, hiểu rõ hơn về vai trò của rừng đối với cuộc sống của con người và trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên, môi trường tự nhiên; những vấn đề môi trường hiện nay như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất và mất cân bằng hệ sinh thái,… từ đó trang bị cho các em kiến thức và giúp các em có những định hướng, thay đổi thái độ và hành vi đối với việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có của đơn vị nói riêng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tang-cuong-giao-duc-moi-truong-cho-hoc-sinh-cac-xa-vung-dem-khu-bao-ton-thien-nhien-nam-nung-236859.html