Tạo nền tảng về kinh tế
Theo UBND huyện Đắk Glong, trong nửa nhiệm kỳ, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn là 17.944,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 12.856,5 tỷ đồng; ngành công nghiệp, xây dựng là 2.876,2 tỷ đồng; ngành thương mại, dịch vụ là 2.211,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Những năm qua, huyện đã có những giải pháp tích cực để khắc phục khó khăn, chủ động triển khai phương án sản xuất cho bà con.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, địa phương đã giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã. Nguồn ngân sách được bố trí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với các chương trình mục tiêu, cùng với tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, hỗ trợ tín dụng…”.
Nhờ đó, kết quả các chỉ tiêu sản suất nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, từng bước sản xuất đại trà như: dâu tằm, cây chè, cây ăn trái, các loại cây có múi…
Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng dần qua các năm. Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn heo trên địa bàn huyện có khoảng 56.121 con. Trên địa bàn huyện đang duy trì các trang trại nuôi heo quy mô lớn như: Công ty Anova, Công ty CP, Công ty CJ, Công ty Tấn Lộc Vinh…
Địa phương đang tiếp tục rà soát, đề xuất quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung trên địa bàn các xã: Quảng Sơn, Đắk Ha, Đắk R’măng để phát triển chăn nuôi quy mô trang trại tập trung. Trong đó, ưu tiên phát triển chăn nuôi tại các khu vực đất cằn cỗi, xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, nguồn nước…
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn 25,68%; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42,77%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 40,60%.
Lực đẩy thu hút đầu tư
Với nhiều tiềm năng sẵn có, địa phương đang đẩy mạnh các hình thức quảng bá, thu hút đầu tư các dự án về địa bàn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã có 596 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xin gia nhập thị trường. Bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư của địa phương.
Đặc biệt, huyện đang tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch. Trong đó, phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…
Trong nửa nhiệm kỳ, toàn huyện đã thu hút 81.950 lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn. Đến nay, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu khảo sát, đề nghị thực hiện những dự án đầu tư có quy mô lớn trên địa bàn.
Cụ thể như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao; Dự án trồng cây ăn quả, thảo dược ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; Dự án nhà máy nước tinh khiết, hoa quả và thảo dược Núi Tiên 2 của Công ty Cổ phần Tập đoàn TH; Dự án khu nhà ở nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Daksun Hill của Công ty Cổ phần Daksun Hill…
Ông Thuần cho biết thêm, để tạo lực đẩy thu hút đầu tư, huyện đã, đang phát huy các nguồn lực tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối vùng.
Đặc biệt, với lợi thế là địa phương có quốc lộ 28 đi qua địa bàn 4/7 xã, tỉnh lộ 4B đi qua xã Quảng Hoà, tạo thuận lợi lớn cho giao thương của Nhân dân với các địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn như: Lâm Đồng, Bình Thuận…
Đến nay, toàn huyện Đắk Glong có 7/7 xã có đường nhựa đi qua trung tâm. Từ xã đến thôn, bon có từ 1-2 km đường nhựa, đạt 70%. Nhựa hoá đường huyện đạt 90,44%.