Thông tư 29, thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, có nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý là không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng của cả người dạy và người học. Ngay cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận trên các diễn đàn đến nghị trường Quốc hội về điều này.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm còn chưa đủ chặt chẽ, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội.
Ví dụ như không có biện pháp quản lý chương trình dạy thêm, mức thu học phí; tình trạng học sinh bắt buộc đi học thêm mới đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, tăng thêm áp lực cho học sinh và gánh nặng tài chính cho phụ huynh.
Vì thế Thông tư 29 ra đời với rất nhiều điểm tiến bộ, được kỳ vọng nếu thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giáo dục, điều chỉnh hành vi của học sinh và giáo viên.
Nhất là góp phần giảm tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan; tránh tình trạng “dạy ít trong lớp, dạy nhiều ngoài lớp”. Việc này cũng đảm bảo công bằng hơn trong học tập. Học sinh không có điều kiện đi học thêm vẫn có thể tiếp cận đủ kiến thức từ chương trình chính khóa.
Đặc biệt, việc này sẽ góp phần hạn chế áp lực học tập. Học sinh không còn bị ép buộc học thêm dưới nhiều hình thức, giúp giảm căng thẳng và có thời gian phát triển kỹ năng khác.
Ngày 14/2, Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, và vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội.
Điều dễ thấy nhất hiện nay là việc dạy thêm tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh phải kết thúc theo quy định. Và trên thực tế, nhiều trường học đã và đang lần lượt thông báo dừng tổ chức việc này trong trường.
Trước thông báo từ nhà trường, không ít phụ huynh lo lắng về việc quản lý con ra sao nếu tới đây sẽ thêm một buổi ở nhà, thay vì ở trường cả ngày như trước.
Nhiều phụ huynh đang “chạy đôn chạy đáo” để tìm chỗ học mới cho con. Chị Trần Thị Dung (phường Trường Chinh) có 2 con học THCS (lớp 6 và lớp 9) cho hay: Cô giáo dạy thêm Tiếng Anh, Toán và Văn cho hai cháu thông báo nghỉ dạy thêm mấy ngày nay.
Giờ em đang lo cho cháu cuối cấp ôn luyện thế nào? Đăng ký học trung tâm thì chi phí cao hơn, lại cũng không yên tâm lắm bằng việc cô giáo kèm cặp, nhưng chưa có cô nào nhận- chị Dung lo lắng nói.

Giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà hay thuê địa điểm cũng đồng loạt dừng hoạt động vì sợ bị phạt. Cô Nguyễn Kim O. (giáo viên tiểu học ở thành phố Kon Tum) mở lớp dạy kèm buổi tối ở nhà nhiều năm qua, nay cũng “đóng cửa”.
Tôi thông báo dừng dạy, cả phụ huynh và học sinh đều bất ngờ, mong muốn tiếp tục được học nhưng quy định không cho phép- cô O. cho hay.
Những giáo viên loay hoay tìm cách để tiếp tục dạy thêm lại vướng nhiều thứ. Trước hết, việc đăng ký dạy thêm ở các trung tâm không dễ, bởi hiện nay chưa nhiều, lại chủ yếu là dạy Tiếng Anh.
Bản thân các trung tâm cũng phải nghiên cứu kỹ để tránh vi phạm Thông tư 29, nhất là quy định “không dạy học sinh chính khóa”.
Còn việc nhờ người đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm thì nhiều giáo viên cũng gặp khó khăn. Như cô O., quy mô học sinh không nhiều; điều kiện hạ tầng không đáp ứng quy định.
Trong tình hình hiện nay, giáo viên dạy tự do có vẻ “dễ thở hơn”, khi có thể tự đứng tên thành lập hộ kinh doanh để tổ chức lớp dạy thêm. Nhưng vì chính quyền chưa ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện nên cũng đang thấp thỏm chờ.
Cô Bùi Thị M. (giáo viên tự do dạy Tiếng Anh ở thành phố Kon Tum) cho hay, là giáo viên tự do, theo quy định cô được phép đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm.
Sau khi tư vấn từ luật sư, tôi đến Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố Kon Tum nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh (dạy thêm), nhưng được trả lời là chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nên chưa thể tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan nội dung này. Nhiều người cũng ở trong trường hợp như tôi, được khuyên về chờ thêm- cô M. chia sẻ.
Được biết, sáng 12/2, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Thông tư số 29. Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng chức năng của Sở GD&ĐT tổng hợp các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đồng thời với các chính sách hỗ trợ giáo viên khi tham gia công tác dạy thêm trong nhà trường cho các đối tượng theo quy định.
Như vậy, đến ngày 14/2, việc đăng ký hộ kinh doanh (loại hình giáo dục) tại tỉnh ta vẫn chưa thể triển khai, do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn.
Mong rằng, cấp có thẩm quyền sẽ sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể để “gỡ khó” cho dạy thêm, học thêm. Để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh cũng như các giáo viên đủ điều kiện, vừa đảm bảo quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/som-go-kho-cho-day-them-hoc-them-243104.html