Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ trong cuộc tọa đàm trực tuyến của Báo VietNamNet với chủ đề “Đổi mới sáng tạo báo chí trong kỷ nguyên số”.
MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI SỐ SẼ TẠO HIỆU QUẢ TỨC THỜI
Xin ông cho biết, hiện nay, công nghệ số ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông?
Đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông trên thế giới, công nghệ đã đồng hành từ rất lâu. Suốt 20 năm qua, chúng ta đã nhìn thấy sự nổi lên của công nghệ trong hoạt động báo chí và công nghệ là phần không thể thiếu với báo chí.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này cũng xảy ra chưa lâu. Cả một thời gian dài, chúng ta mới dừng ở việc sử dụng công nghệ một cách khá đơn giản. Ngay kể cả khi chúng ta có một tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử thì chúng tôi vẫn ví von là không khác nào là làm báo in trên nền tảng điện tử mà thôi.
Tuy nhiên, phải nói rằng, đại dịch Covid như một tác nhân thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ trong báo chí được mạnh mẽ hơn tại Việt Nam, từ những hoạt động của tòa soạn (ví dụ họp trực tuyến) tới sử dụng các công cụ sản xuất nội dung… đều được các tòa soạn triển khai hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nếu gọi là thực sự chuyển đổi số và một môi trường hoạt động đúng nghĩa theo kiểu tòa soạn digital thì cũng chưa nhiều cơ quan báo chí đạt được. Hiện nhiều báo vẫn bị pha trộn giữa cách làm truyền thống với sử dụng một số công cụ mới mà thôi.
Tại diễn đàn Báo chí toàn quốc diễn ra vào tháng 3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có bài phát biểu trong đó nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo số là động lực mới của báo chí. Đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”.
Từ thực tế quản lý báo chí, ông chia sẻ thế nào về phát biểu này của Bộ trưởng?
Một số cơ quan báo chí Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Đơn cử như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam là đơn vị đi khá sớm trong việc ứng dụng công nghệ và đào tạo nhân lực số.
Nếu chúng ta xem cách thức thực hiện của VTV 24 với một số kênh mạng xã hội của họ thì thấy rất chuyên nghiệp và khác biệt với nhiều cơ quan báo chí khác trong việc chỉ đơn giản đăng tải nội dung lên fanpage, Youtube hay là các kênh mạng xã hội khác.
Thông tấn xã Việt Nam khi tôi làm việc, vào năm 2018 đã làm một Chatbot và đạt giải nhất giải thưởng của Hiệp hội các hãng thông tấn châu Á – Thái Bình Dương. Có thể nói với các cơ quan báo chí lớn, việc chuẩn bị cũng như sẵn sàng cho nền kinh tế số, chuyển đổi số đã có những bước đi nhất định.
Tuy nhiên, với đa số các cơ quan báo chí khác, những bước đi này khá chậm chạp. Chúng tôi lo ngại, nhất là thái độ chờ xem, muốn chờ xem cơ quan báo chí khác làm thế nào? Thành công hay không? Mô hình nào có thể bắt chước thay vì phải tự sáng tạo ra mô hình phù hợp. Từ đó chần chừ, không biết bắt đầu từ đâu hoặc là luôn cho rằng, muốn chuyển đổi số, nghĩa là phải đầu tư công nghệ tốn kém, tài chính rất lớn… và cùng với đó là câu chuyện nhân sự không được chuẩn bị phù hợp.
Nhiều nơi phóng viên trẻ biết sử dụng hệ thống quản trị, nội dung đăng tin bài, xử lý một vài hình ảnh… Nhưng chỉ vậy thôi.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, chúng tôi thấy nhiều bước đi khá nổi bật và đáng mừng ở một số cơ quan báo Đảng địa phương. Những tờ báo như báo Nghệ An, báo Hà Tĩnh, gần đây là báo Hải Dương và đặc biệt là báo Đắk Nông. Đây là một tờ báo Đảng với quy mô nhân sự khá nhỏ, ở một tỉnh cũng không hẳn có điều kiện kinh tế nhưng khi họ chuyển đổi số và ứng dụng cách làm mới thì hiện nay, lượng truy cập của báo Đắk Nông có nhiều tuần đạt mức cao nhất trong hệ thống báo Đảng.
Điều đó cho thấy là nếu mạnh dạn chuyển đổi số thì không cứ là phải những cơ quan báo chí lớn, có tiềm lực kinh tế, đông nhân sự, cơ quan báo chí nhỏ nếu mạnh dạn đi đúng hướng, có sự quyết tâm mà lãnh đạo truyền nhiệt huyết ấy đến với toàn thể tòa soạn, đến từng anh chị em cán bộ, nhân viên thì sẽ tạo hiệu quả tức thời.
LÀN SÓNG SĂN LÙNG ẤN PHẨM ĐẶC BIỆT
Ông vừa đề cập đến sự chuyển mình rất mạnh mẽ trong báo chí. Tôi muốn đề cập tới ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tạo ra “làn sóng” sưu tập đối với giới trẻ ở Hà Nội. Xin ông nói rõ hơn về ấn phẩm này?
Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ với dấu mốc 70 năm, chúng tôi xác định đây là sự kiện rất lớn. Thông thường thì với những sự kiện kỷ niệm như vậy, có thể là trước một vài tuần hoặc cùng lắm một tháng, một số cơ quan báo chí sẽ xây dựng trang web hay chuyên mục, rồi đưa vào đó rất nhiều thông tin dạng văn bản, hình ảnh…
Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ đã có rất nhiều câu chuyện mà chúng ta đã khai thác suốt 70 năm qua.
Nếu tiếp tục lại kể những câu chuyện như vậy sẽ không còn hiệu quả như thời chỉ có báo in, phát thanh truyền hình. Bây giờ ta có báo điện tử, có mạng xã hội hàng tỷ kênh. Như vậy không dễ để thu hút người dùng bằng những cách thức tuyên truyền kiểu truyền thống nữa.
Chúng tôi quyết định phải có những cách làm đặc biệt. Với phiên bản điện tử là ra mắt website nhưng đi theo hướng là diễn biến 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, và giống như một cuốn nhật ký để hàng ngày độc giả theo dõi, rồi mong chờ đến ngày hôm sau. Ngoài việc đọc thông tin, họ được chơi game để kiểm tra kiến thức của mình. Nhưng đấy mới là phần mở đầu.
Chúng tôi cũng mong muốn làm thế nào có một sản phẩm báo in độc đáo. Khởi đầu thì chỉ nghĩ ra một chuyên đề đặc biệt có thể là 6 – 8 trang. Nhưng khi làm cuốn sách đổi mới sáng tạo trong báo chí, truyền thông năm 2023 để phục vụ Hội báo toàn quốc, trong phần đề cập tới đổi mới sáng tạo cho báo in, chúng tôi để ý thấy một tờ báo Đức nhân kỷ niệm 50 năm Tháp truyền hình Berlin đã in một trang báo khổ 2m35 với hình ảnh của Tháp và những đồ họa mô tả, giải thích…
Chúng tôi thấy đó là ý tưởng khá thú vị. Chúng tôi từng xem bức tranh khổng lồ ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ đó nghĩ sẽ in bức tranh này trên báo in. Nhưng nếu chỉ làm vậy thì không có gì đặc biệt. Chúng tôi nghĩ làm cái gì đó gọi là dòng thời gian và sẽ gắn để người dùng tương tác với các website mà chúng tôi đã chuẩn bị.
Chúng tôi kết hợp công nghệ “Thực tế tăng cường” (augmented reality), quét mã, hình ảnh chuyển động…và tạo nên bức tranh dài 3m21 – có lẽ là dài kỷ lục trong báo in.
Thực hiện xong bức tranh trên báo in như vậy, chúng tôi lại nghĩ làm một triển lãm trưng bày ở sân tòa soạn để mọi người đến xem. Chúng tôi đã làm một triển lãm ở Hàng Trống và một ở Bảo tàng Điện Biên Phủ. Với ứng dụng cài trên điện thoại, người dùng có thể quét được những hình Al tại triển lãm.
Trong vòng 1 tuần diễn ra triển lãm, ít nhất khoảng 30.000 người đến xem triển lãm tại Hà Nội cũng như Điện Biên Phủ. Đủ thành phần từ người dân trong và ngoài nước, từ các em học sinh đến lực lượng vũ trang, công nhân… Thậm chí có những đôi trẻ đã tới triển lãm và chụp ảnh cưới.
Đặc biệt hơn nữa, khi phụ trương này được lan truyền trên mạng xã hội, đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Mọi người hỏi nhau làm thế nào để có được tờ báo 7/5, rồi đi săn lùng, thậm chí mua bán trên mạng. Vào 2 ngày cuối cùng của triển lãm, chúng tôi quyết định in thêm 5.000 tờ để phục vụ nhu cầu độc giả nhưng cũng không đủ đáp ứng.
Gần 3 tuần sau cơn sốt vẫn không hạ nhiệt. Chúng tôi huy động kinh phí xã hội hóa và in tiếp 100.000 bản, phát tại trụ sở của Báo Nhân Dân ở 63 tỉnh, thành.
Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến những dòng người, hàng trăm hàng nghìn người xếp hàng tại các trụ sở của Báo Nhân Dân để đón nhận bức tranh và hào hứng chia sẻ.
Mặc dù khi ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi nhắm đến người trẻ, nhưng cũng có nhiều người lớn tuổi rất kiên nhẫn để tải ứng dụng, để trải nghiệm cái gọi là Thực tế tăng cường. Đây là đột phá khi một ấn phẩm in của một tờ báo Đảng vốn được cho là rất chính thống lại được xã hội nói chung và gen Z đón nhận, hào hứng chia sẻ, từ đó giúp thương hiệu của báo lan tỏa mạnh mẽ.
Chúng tôi còn đưa sản phẩm này sang dự Hội chợ sách Saint Petersburg và rất nhiều bạn Nga cũng thích thú trải nghiệm.
Như vậy từ khi bắt đầu ra ấn phẩm lần thứ nhất đến khi tái bản, đã in tổng cộng bao nhiêu bản, thưa ông?
Tổng cộng là gần 300.000 bản, nhưng mức độ tiếp cận trên mạng xã hội ước tính lên đến khoảng 20-33 chục triệu người. Rất nhiều người quét mã là ở nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Như vậy theo ông, việc tận dụng công nghệ số giúp độc giả, nhất là giới trẻ sử dụng báo in trên nền tảng số tập trung rất cao vào tính tương tác có phải là yếu tố tạo nên hiện tượng gen Z săn lùng, tìm kiếm ấn phẩm đặc biệt?
Việc kết hợp công nghệ là yếu tố dẫn đến thành công này. Bởi chúng ta in một bức tranh đẹp mấy chăng nữa, viết những bài hay bao nhiêu chăng nữa, thì khả năng thu hút người dùng chung, chưa kể người trẻ đến với những sản phẩm in bây giờ càng ngày càng khó khăn hơn.
Thực ra báo chí thế giới cũng như Việt Nam cũng đã thử nghiệm những sự tương tác nhưng việc đầu tư này không ổn định và kéo dài. Có những tờ báo thử nghiệm một thời gian rồi thôi, có thể bởi tốn kém hoặc quy trình khá phức tạp.
YẾU TỐ TƯ DUY SẢN PHẨM RẤT QUAN TRỌNG
Từ thực tế này, ông chia sẻ thế nào về vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, nhất là chú trọng đến tính tương tác với độc giả trong đổi mới sáng tạo báo chí nói chung?
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, báo chí trong thời đại mới hiện nay thì yếu tố tư duy sản phẩm rất quan trọng.
Hầu như các cơ quan báo chí của chúng ta bị cuốn vào quy trình làm báo hàng ngày, hàng giờ. Thỉnh thoảng chúng ta cải tiến một chút cho hấp dẫn nhưng thế là chưa đủ.
Trong bối cảnh thông tin tràn ngập, quá tải, thậm chí không biết rõ đúng sai như hiện nay thì người ta khuyến nghị rằng, các cơ quan báo chí phải liên tục tạo ra những sản phẩm mới để thu hút người dùng.
Còn rất nhiều trường hợp dữ liệu báo chí chúng ta rất lớn. Vấn đề ở đây là đóng gói thế nào.
Ví dụ như Báo Nhân Dân có những tài sản vô giá. Đó là một hơn 1.200 bài viết của Hồ Chủ tịch trong khoảng thời gian khá dài. Bây giờ người ta không nhớ là từng có những bài như vậy hoặc muốn tìm thì không thể.
Vậy là chúng tôi đóng gói thành sản phẩm điện tử. Người đọc có thể tìm kiếm dễ dàng. Chúng tôi cũng làm một website tương tự với những bài viết của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh…
Những gì Báo Nhân Dân đã làm vừa qua có thể giúp thay đổi tư duy Báo chỉ dành cho chi bộ, cho đảng viên, cho người lớn tuổi.
Ngoài báo in, báo điện tử Nhân Dân cũng đã có sự lột xác mạnh mẽ trong vòng 2 năm qua khi chúng tôi chuyển đổi sang hệ thống quản trị nội dung mới và thay đổi cách thức tác nghiệp.
SÁNG TẠO THÌ KHÔNG CÓ BIÊN GIỚI
Chúng ta có ấn phẩm in đặc biệt của Báo Nhân Dân tạo cơn sốt trong giới trẻ; có Tạp chí VnEconomy phát triển Askonomy – một trợ lý ảo, chuyên trả lời thông tin kinh tế – hay có Phòng trưng bày số và tích hợp thông tin của Đài truyền hình Hà Nội… và rất nhiều ý tưởng, mô hình sáng tạo mới mẻ khác. Như vậy câu chuyện đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực báo chí truyền thông với cả báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình có giới hạn nào không, thưa ông?
Báo chí vốn là một loại hình sáng tạo, thậm chí luôn phải đi trước trong rất nhiều lĩnh vực.
Cho nên đổi mới sáng tạo trong báo chí là điều vốn có từ xưa. Môi trường và công nghệ ngày nay cho phép chúng ta làm rất nhiều thứ mà ngày xưa ta không thể làm được.
Điều nó nằm ở tư duy của từng người. Nhiều khi không nhất thiết sự sáng tạo này phải đến từ cấp cao nhất, mà nó đến từ những anh chị em phóng viên, biên tập viên.
Ở nước ngoài, có những tờ báo lớn luôn luôn dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo. Ví dụ không chỉ là tờ báo truyền thống, họ còn tạo lập nhiều loại nội dung, sản phẩm độc đáo. Họ tổ chức tour và những nhà báo mảng du lịch của họ sẽ trở thành các hướng dẫn viên.
Họ kinh doanh thương mại điện tử. Những tờ như Washington Post sau khi tạo lập một hệ thống quản trị nội dung siêu biệt cho mình thì lại bán cho các cơ quan báo chí khác (khoảng 45 % cơ quan báo chí trên thế giới).
Có tờ báo Pháp đưa ra ý tưởng rất thú vị. Đó là cứ vào một ngày nhất định trong năm, họ sẽ làm nội dung hoàn toàn dành cho trẻ em, do trẻ em thực hiện dưới sự hướng dẫn của báo.
Chúng tôi thấy ý tưởng này rất hay nên số ra ngày 1/6 vừa qua, trong tờ báo tuần, chúng tôi dành một chuyên đề toàn bộ do trẻ em viết về năng lượng và các vấn đề mang tính toàn cầu.
Lâu nay chúng ta thấy đã có những tờ báo dành cho trẻ em nhưng đa phần là do người lớn viết, Chúng ta không thể thực sự hiểu các em nghĩ gì, muốn gì. Từ thử nghiệm thú vị nêu trên, chúng ta có những nhóm phóng viên nhí được đào tạo đa dạng, sử dụng công cụ thành thạo…
Sáng tạo thì không có biên giới.
* Còn tiếp phần 2