Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song (Đắk Nông) có 2 ha cà phê. Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, trước kia, gia đình bà chủ yếu làm sạch cỏ trong vườn cà phê.
Sau nhiều năm trồng cây che bóng mát, sử dụng cỏ dại làm thảm thực vật để tái tạo sinh thái vườn, bà Nguyệt thấy rõ những lợi ích mà cỏ dại mang lại.
Bà Nguyệt cho biết: “So với phương pháp làm sạch cỏ, việc quản lý cỏ dại hợp lý sẽ giúp phân tán nấm bệnh tốt hơn. Hơn nữa, khi tạo thảm thực vật, độ ẩm vườn ổn định đã giúp tôi giảm được lượng nước tưới khá lớn cho vườn cây. Ngoài ra, thảm thực vật còn là nguồn bổ sung dinh dưỡng tự nhiên cho vườn cây”.
Còn gia đình ông Phạm Văn Ngọc, ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp có 4ha hồ tiêu được canh tác theo hướng thuận tự nhiên nên tạo được sinh thái khá ổn định trong bối cảnh tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt.
Trong vườn hồ tiêu của ông Ngọc được canh tác theo hướng đa tầng. Trong đó, tầng tán trên có hệ thống cây rừng che bóng, chắn gió xung quanh.
Cây che bóng mát đồng thời cũng là trụ sống cho cây hồ tiêu leo, bám. Loại cây rừng được ông Ngọc sử dụng chủ yếu là cây muồng đen.
Theo kinh nghiệm của ông Ngọc, tầng dưới là thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa.
Nó tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các loại vi sinh vật có ích trong đất sinh sống. Đất canh tác vì vậy cũng tơi xốp, thoáng khí, giúp rễ cây thuận lợi trong hấp thụ dưỡng chất.
“Hàng năm, nhờ trồng cây che bóng đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được phần lớn chi phí tưới nước, năng suất cây trồng luôn ổn định, đạt năng suất tăng từ 1,5 – 3 tấn/ha so với vườn trồng thuần”, ông Ngọc cho biết thêm.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), khô hạn đã làm cho các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Nhiều loại cây trồng khác cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng, dễ có nguy cơ mất mùa.
Bà Đào Thị Lan Hoa, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, WASI cho biết, những năng qua, WASI luôn khuyến cáo với người dân phải nói không với thuốc trừ cỏ mà phải ưu tiên sử dụng các phương pháp truyền thống như: Trồng cây họ đậu đối với vườn cà phê, hồ tiêu.
Phương pháp thứ hai là sử dụng máy cắt cỏ khi mật độ cao 40cm và chú ý là phải trừ gốc cỏ lại ở độ cao từ 10 – 15cm để bảo vệ mặt đất, bảo vệ vi sinh vật trong mùa mưa.
“Chúng tôi cũng mong muốn rằng, bà con nông dân hãy thay đổi tập quán canh tác. Đó là vào mùa khô nên duy trì cỏ dại và không nên dọn sạch cỏ trên vườn cà phê, hồ tiêu. Đây là cách giúp giảm lượng nước tưới trong mùa khô, bảo vệ đất trồng”, bà Đào Thị Lan Hoa bày tỏ.
Theo bà Hoa, điều quan trọng là hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu trong mùa khô ở Tây Nguyên rất khắc nghiệt. Do vậy, bà con phải quản lý cỏ dại, duy trì cây che bóng trong mùa khô, đồng thời tận dụng xác bã thực vật để làm lớp phủ hoặc ủ hoai làm phân vi sinh bón cho cây trồng nhằm góp phần bảo vệ đất, cung cấp dinh dưỡng cho vườn cây.
Theo kỹ thuật và kinh nghiệm của người dân thì khi đất được bảo vệ tốt thì cây trồng cũng đạt được năng suất cao, chất lượng sản phẩm nông sản bảo đảm nhờ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở ngưỡng cho phép.
Từ đó, các sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng để xuất khẩu trên thị trường quốc tế, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.