Vụ đông xuân 2024 này, người dân huyện Đắk Mil đã xuống giống được 619ha lúa nước. Trong đó, phần lớn diện tích nằm ở xã Đức Minh, với trên 290ha lúa.
Lịch thời vụ sản xuất lúa của xã Đức Minh là kết thúc vào ngày 30/2/2024. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất lúa của nhiều người đã trễ hơn rất nhiều so với thời gian trên.
Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động điều hành của địa phương, đơn vị liên quan, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của chính người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Lanh, thôn Mỹ Hòa, xã Đức Minh, gia đình có 4 sào lúa nước. Việc sản xuất lúa của gia đình thường chậm so với lịch thời vụ của địa phương vì bận thu hoạch cà phê, hồ tiêu. Xuống giống muộn, lúa của gia đình dễ mắc bệnh, năng suất không cao.
Lãnh đạo UBND xã Đức Minh cho biết, việc sản xuất lúa nước muộn đã xảy ra nhiều năm nay. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhưng thực tế nhiều người vẫn không có chuyển biến.
Tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, vụ đông xuân năm nay, người dân đã xuống giống trên 70ha lúa. Theo lãnh đạo UBND xã Thuận An, việc sản xuất lúa của người dân địa phương những năm qua cũng thường muộn hơn so với lịch thời vụ chung khoảng 10 ngày. Riêng năm 2024 chỉ muộn hơn khoảng vài ngày. Điều này do tâm lý bà con coi lúa nước là cây trồng phụ so với cà phê, hồ tiêu.
Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, UBND xã Thuận An đã vận động người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, kháng sâu bệnh cao, giúp hạn chế ảnh hưởng xấu bởi thời tiết, thiên tai.
Nhưng thực tế, vụ mùa của bà con vẫn gặp nhiều rủi ro. Vụ đông xuân này, có một số diện tích lúa bị cháy lá do người dân xuống giống muộn, lơ là việc chăm sóc, không dẫn nước vào ruộng kịp thời.
Ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, những năm tới, địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, vận động người dân sản xuất đúng lịch thời vụ. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm bảo đảm an toàn trong bối cảnh khô hạn hiện nay.
Theo ông Trần Văn Tình, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, hàng năm, chi nhánh đều có sự phối hợp với ngành chức năng, các địa phương để đưa ra lịch thời vụ gieo trồng phù hợp nhất và có sự linh động với thực tiễn.
Chẳng hạn như năm nay, lịch thời vụ các địa phương đã thống nhất với chi nhánh là trong khoảng từ 15/1-5/3. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa của nhiều xã thường diễn ra muộn hơn so với lịch này.
Ít thì muộn hơn từ 1-2 tuần, nhiều thì trên 1 tháng. Năm 2024, hoạt động gieo cấy muộn xảy ra ở các xã như Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk, Long Sơn.
“Tình trạng người dân gieo cấy không đồng loạt, không đúng lịch thời vụ đã gây ra cho chi nhánh nhiều khó khăn trong hoạt động điều tiết nước tưới”, ông Tình cho hay.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, gieo cấy lúa hàng năm diễn ra muộn thường gây ra các nguy cơ như lúa phát triển không đồng đều, dễ bị sâu bệnh tấn công. Trong bối cảnh khô hạn ngày càng khốc liệt như hiện nay, sản xuất lúa nước muộn còn dễ gặp tình trạng thiếu nước, làm giảm năng suất, thậm chí mất mùa.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp Đắk Nông, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sản xuất đúng lịch thời vụ, sử dụng các giống ngắn ngày, phẩm chất tốt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất phù hợp nhằm bảo đảm an toàn sản xuất, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, tại một số địa bàn, tình trạng sản xuất lệch thời vụ vẫn diễn ra. Điều này đòi hỏi chính quyền cấp cơ sở cần bám sát địa bàn, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định trong sản xuất…