Khắc phục điểm yếu trong nông nghiệp
Gia đình ông Phạm Thuận, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đang thực hiện sản xuất tuần hoàn trên 10 ha hồ tiêu. Ông Thuận cho biết, trước đây, mỗi năm gia đình phải đầu tư hàng trăm triệu đồng phân bón cho vườn cây.
Khoảng 5 năm nay, khi sản xuất theo hình thức tuần hoàn, nguồn chi phí này giảm rất nhiều. Cụ thể, ông nuôi dê và cho dê ăn các loại lá cây trong vườn. Dê mang đến lượng phân lớn và được ông ủ hoai mục, bón cho cây trồng.
Điều này giúp gia đình ông tiết kiệm được khoảng ½ chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, sản xuất.
“Sản xuất tuần hoàn giúp hình thành được hệ sinh thái vườn ổn định, trong lành, tạo thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển ổn định, giảm thiểu các ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh”, ông Thuận cho biết.
Tương tự, gia đình ông Huỳnh Đức Ánh, thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), hiện đang canh tác hơn 2 ha cà phê và nuôi 10 con bò mỗi năm. Ông Ánh cho biết, ông có gần 2 sào đất chuyên trồng cỏ nuôi bò. Phân bò ông ủ hoai mục với vỏ cà phê và men vi sinh tạo thành phân hữu cơ rồi bón cho vườn cây.
“Sản xuất tuần hoàn bảo đảm được môi trường, đất đai tơi xốp, cây cà phê có độ bền cao, ổn định năng suất khoảng 3 tấn/ha. Kinh tế tuần hoàn có thể nói là đem lại lợi ích kép cho nông dân”.
Định hướng lâu dài
Theo Sở NN-PTNT, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn bền vững đã được tỉnh triển khai. Hiện nay, nhà nông trong tỉnh áp dụng hiệu quả hình thức sản xuất này.
Cụ thể, bà con đã áp dụng các quy trình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo Viet GAP, Global GAP; nông nghiệp hữu cơ; chăn nuôi an toàn sinh học… Đây đều là những hình thức canh tác tuần hoàn.
Các hình thức này ngày càng được nhà nông, các HTX nhân rộng, trở thành xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông, vì thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà con đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ bổ sung vào thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi để làm giảm mùi hôi trong quá trình chăn nuôi, giảm tỷ lệ bệnh. Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý đúng cách, được tận dụng bón cho cây trồng.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, tháng 11/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch 693 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến 2025. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Đắk Nông sẽ thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch về phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.