Đề bài: Anh (chị) hãy viết bài văn nghị luận xã hội nêu suy nghĩ bản thân về ý kiến: “Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ”.
Dàn ý
a. Mở bài
Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận
Trích dẫn lại câu nói trong phần đề bài
b. Thân bài
Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận
Ý kiến trên đề cập đến ba yếu tố góp phần làm hỏng một con người. “Hỏng” ở đây không chỉ hư hại về thể xác mà còn làm tổn hại đến tâm hồn, đạo đức con người. Thứ làm hỏng con người đầu tiên là rượu. Rượu gây nhiều tác hại cho con người về nhiều mặt, cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng nếu rượu gây hại nhiều hơn ở phương diện thể chất thì tính kiêu ngạo và sự giận dữ lại phá hủy mạnh mẽ nhân tính con người. Những tổn hại do chúng gây ra thật nghiêm trọng không kém rượu.
Tính kiêu ngạo và sự giận dữ nếu tồn tại trong một con người thì nó sẽ là kẻ thù nguy hiểm của cuộc sống yên bình, hạnh phúc, thậm chí còn gây những bi kịch thương tâm.
Quả đúng là: có ba thứ làm hỏng một con người: đó là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.
Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận
Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, không phải ngẫu nhiên mà người ta nói đến ba yếu tố làm hỏng một con người là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.
Ai cũng biết rằng rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ khi cùng tồn tại trong một con người thì chúng có thể hủy hoại hoàn toàn con người và gây tai họa cho người xung quanh. Chúng làm cho con người tê liệt, kiệt quệ về thể xác sau đó phá hủy trí tuệ, sự sáng suốt vốn có ở con người, làm cho cuộc sống và các mối quan hệ của con người ngày càng xấu đi.
Có thể kể thêm những thứ làm hỏng con người như cờ bạc, ma túy, mại dâm… Nếu con người không có nhận thức đúng đắn thì dù chỉ một trong số các thứ đó cũng sẽ gây hại con người. Vậy nên tất cả các thói xấu ấy đều bị lên án.
Nêu ý nghĩa của vấn đề
Mỗi người phải có nhận thức đầy đủ và hãy nói “không” với rượu, với tính kiêu ngạo, với sự tức giận và cả những thói xấu trong cuộc sống. Bản thân phải có bản lĩnh vững vàng.
Hãy cùng cộng đồng xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục bằng mọi hình thức để loại trừ, tiêu diệt tận gốc những thứ làm “hỏng” con người nhằm góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp, văn minh.
c. Kết bài
Khẳng định lại tính đúng đắn của vấn đề
Định hướng, liên hệ hành động bản thân
Đoạn văn nghị luận 200 chữ bàn về câu nói “Có ba điều làm hỏng một con người: Rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ”
Có nhiều quan điểm đánh giá về mức độ làm hỏng một con người, như là phạm vào trọng tội, làm việc trái luân thường, đạo lý, sa đọa vào tệ nạn xã hội… Nhưng lại có quan điểm cho rằng: Có ba điều làm hỏng một con người là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ. Việc đánh giá một con người “hỏng” tức là người đó đã không thể cứu vãn về mặt nhân cách, hành vi của người đó không được xã hội chấp nhận. Đôi khi chỉ cần một việc làm xấu thôi là đủ để người ta loại những người đó ra khỏi cuộc sống. Trong quan niệm trên, ba thứ rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ đã đủ làm nên việc hỏng người. Đầu tiên là rượu. Ở đây không bàn về lợi ích của nó, mà hãy nhìn vào mặt trái nó để lại. Người ta có câu: kẻ uống rượu đỏ mặt nhưng đen nhân cách. Điều đó khẳng định rượu là tác nhân để hủy hoại con người chúng ta. Say rượu con người ta sẽ không còn là chính mình, sự bê tha, nhếch nhác và tàn tạ sẽ lên ngôi. Không thiếu những vụ bạo hành gia đình xảy ra khi người cha say rượu đánh đập vợ con, bao nhiêu cuộc xích mích trên bàn nhậu để xảy ra xô xát đến đe dọa tính mạng người. Gần đây, chúng ta không khỏi đau lòng vì những vụ tai nạn giao thông liên hoàn vì những kẻ say rượu lái xe. Rượu làm chúng ta vui nhưng lại ẩn chứa bao nhiêu mối nguy hại đằng sau đó. Việc nó làm hỏng con người chẳng có gì sai. Thứ hai, tính kiêu ngạo cũng làm hỏng con người. Kẻ luôn quá tự phụ về bản thân mình, kiêu căng, ngạo mạn trước người khác chẳng đáng được tôn trọng là người. Cuộc sống luôn là sự học hỏi và không ai là người hoàn hảo. Cái mình có, mình biết chưa chắc đã là duy nhất và đầy đủ. Bởi vậy thể hiện với đời mà thiếu đi tài năng thực sự, thiếu sự chân thành mà chỉ có sự tự tin thái quá thì sẽ khiến mình thất bại. Kiêu ngạo là luôn cho mình đứng trên người khác, mọi thứ đều dưới tầm con mắt thì sẽ tự loại mình ra khỏi thế giới con người. Cuối cùng sự giận dữ cũng vậy. Nó khiến bạn mất mát nhiều hơn bạn tưởng. Đó là cảm xúc bạn không thể kiềm chế được, nếu không đúng nơi, đúng lúc và hợp lý bạn trở thành kẻ ác nhân lúc nào không hay. Bởi mọi quyết định trong giận dữ sẽ khiến nó đề cao cái tôi của bạn, không để ý đến cảm giác của người xung quanh. Cha mẹ giận dữ có thể sẽ mất con, bạn bè giận dữ sẽ mất nhau, sếp giận dữ sẽ hỏng việc, vô cớ giận dữ có thể mất mạng… Hậu quả của việc giận dữ luôn rất nặng nề mà ngay bản thân người có cảm giác đó cũng gặp phải. Bởi vậy khi giận dữ thì sự bất đồng càng lớn, mối quan hệ càng giãn xa. Khi đó kẻ giận dữ cũng bị xa lánh. Cho giận dữ là nguyên nhân làm hỏng người đúng là không sai. Vậy ba thứ rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ, cuộc sống này vẫn luôn có. Nhưng hãy làm gì để chúng không làm hỏng người của bạn, chỉ có thể là do chính chúng ta. Biết kiềm chế, kiểm soát bản thân để mỗi người không bị rượu điều khiển, kiêu ngạo sai khiến và giận dữ làm chủ, chúng ta sẽ ở lại với thế giới con người!
Top 5 bài văn nghị luận về ý kiến “Có ba điều làm hỏng một con người: Rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ”
Mẫu 1
Sống trên đời này, ai cũng mong muốn được hoàn thiện mình, muốn cầu toàn nhưng mấy ai làm được. Khá nhiều những sai lầm khiến ta cứ mãi dấn thân vào mê muội rồi dẫn đến hỏng một đời người nếu không tìm ra lối thoát. “Rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ: Chính là ba điều dễ làm hỏng một con người”.
Trong Kinh Phật đã có dạy “tửu sắc” làm người ta trở nên sân si, dục vọng, luôn sống trong một giấc mơ không có thật. Rượu chỉ làm người ta quên đi mọi sự trong chốc lát nhưng khi tỉnh lại mọi sự lại vẫn cứ quay xung quanh mình. Cứ mãi tìm quên trong rượu chỉ làm thêm mất phương hướng sống. Hơn nữa, trong cơn say mấy ai tự chủ được mình. Đó là một chất kích thích dễ gây nghiện. Rượu, bia triền miên, sống trong cơn say, quên mình là ai, cần làm gì, phải làm gì, chỉ biết có rượu mà thôi. Và thường thì rượu là một trong các nguyên nhân gây ra mất an ninh xã hội, gia đình tan vỡ, gây gổ vợ chồng…Nó chẳng phải linh dược kì diệu gì cho nên khi kìm chế được ta nên bỏ nó đi.
Điều thứ hai, ta dễ nhận thấy nhất. Sự giận dữ ấy! Sự giận dữ luôn đi kèm với nỗi ân hận. Như H.G.Bohn có câu nổi tiếng: “Sự giận dữ bắt đầu bằng những hành động xuẩn ngốc và kết thúc bằng nỗi ân hận”. Trong giận dữ, khó có thể kìm chế bản thân. Đôi lúc, chỉ vì một điều ta không vừa ý, ta bực bội rồi òa ra những thứ làm mất lòng mọi người. Cũng giống như “Hành động trong lúc giận dữ là tự làm đắm thuyền trong cơn giông bão”. Chính ta tự đẩy ta xuống hố sâu mà ta không hay. Sống giữa giận giữ và cái khó chịu, sợ hãi của mọi người có dễ chịu không? Và ta thường tìm lối thoát bằng cách chạy trốn nó. Sống trong giận dữ làm mất đi một phần lí trí, lòng nhẫn nại, sự hòa hợp với mọi người. Nó tạo một lỗ hỏng lớn trong tinh thần. Người giận dữ thường làm mất đi con người thật của mình, để cho phần “con” lấn át sang phần “người”. Mất lí trí coi như hỏng một con người.
Và điều thứ ba ta không thể không nhắc đến: Tính kiêu ngạo. Bản tính kiêu ngạo có thể phát sinh từ lúc nhỏ, có thể hình thành trong lối sống. Bên cạnh sự thành công, tự mãn chình là sự kiêu căng. Sự tự kiêu có nghĩa là đắc chí với cái mình có mà người ta không có, mình tài giỏi hơn người khác. Nhưng thực chất trên đời này, không ai giỏi hơn ai hết, cái chính là ta phải biết kiên trì, siêng năng, nỗ lực, phải khiêm tốn, thật thà. Vì “khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ – tự kiêu một chút cũng là nhiều”. Nhiều – ít không phải ở số lượng mà tự kiêu một lần sẽ tạo thói quen lâu dài làm ta tự đắc, tự mãn nhưng đó chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”, chỉ biết mình là nhất – một mộng tưởng làm mất chí phấn đấu trong cuộc sống, mà cuộc sống phải biết vươn lên, tìm tòi, học hỏi. Tự kiêu – một tính cách không tốt – một tương lai không bền.
Ba điều trên làm phá hoại “một tờ giấy trắng” mà có thể viết lên bao điều tốt đẹp. Hãy kịp thời xóa bỏ khi mọi thứ vẫn còn chưa “kết thúc”. “Người hạnh phúc nhất là người biết giận nhưng không bao giờ giận”, người sống tốt nhất là người biết khiêm tốn và người yêu đời nhất là người không biết uống rượu. Chỉ từng ấy thôi!
Không phải ai cũng hoàn thiện. Thật vậy, đã từng có lúc tôi tự kiêu, đã từng có lúc tôi bực giận, nóng nẩy nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời, tự mãn nhất thời. Đó không phải một tôi muốn mình như vậy hay một ai khác muốn hoàn thiện theo cách ấy. Sống là phải tự chủ, luôn tự chủ, không sa ngã vào ba điều trên mới là một cuộc sống cầu toàn.
Mẫu 2
Khổng Tử có dạy rằng: “Nhân chi sơ tính bản thiện” hoặc ông cha ta cũng có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, tức là con người từ khi sinh ra vốn là một đứa trẻ vô khuyết, có một tâm hồn trong sáng tựa như tờ giấy trắng, không có tạp nhiễm, mọi thứ đều được tự nhiên ban tặng. Mọi sự thay đổi trong tâm hồn cũng như tính cách của con người đều bắt nguồn từ sự phản ánh của xã hội vào bộ não của mỗi chúng ta, môi trường sống, nền giáo dục có vai trò to lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con người, trong đó bao gồm cả những nhân tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Xã hội loài người ngày càng hiện đại, thế nên việc giáo dục và định hướng con người ngày càng trở nên chặt chẽ và có nhiều tiến bộ, nhưng không phải vì thế mà các tác nhân bất lợi hoàn toàn biến mất và con người ai cũng có một nhân cách tốt đẹp. Có ý kiến cho rằng: “Có 3 điều làm hỏng một con người: Rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ”, tôi thấy đây là một ý kiến rất hay chỉ rõ những yếu tố nguy hại tiêu biểu nhất làm thay đổi đạo đức và hành vi của con người.
Câu nói đã chỉ rất rõ những yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại bên trong làm ảnh hưởng đến sự diễn biến nhân cách của con người. Từ “hỏng” ở đây không chỉ đơn giản là đề cập đến sự xuống cấp về sức khỏe, thể xác và tinh thần của một con người mà sâu xa hơn nó còn chỉ sự suy tàn của cả một hệ thống đạo đức, phẩm giá, nội hàm cái được hình thành và xây dựng trong quá trình giáo dục và trưởng thành của con người. Trong ba yếu tố mà câu nói đề cập đến thì rượu là thứ được nhắc đến đầu tiên trong quá trình làm hỏng con người. Rượu vốn là một thứ đồ uống quen thuộc trong đời sống, với nồng độ cồn nhất định, được làm từ nhiều loại ngũ cốc khác nhau, rượu có tính ấm, thăng dương tán hàn, uống ít có tác dụng làm ấm cơ thể, lưu thông huyết mạch, cường thân kiện thể. Nhưng cái gì dùng nhiều cũng không tốt, kể cả thuốc bổ, rượu dùng nhiều khiến người ta trở nên phụ thuộc, làm sức khỏe và cả tinh thần đều trở nên xuống cấp, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu như rượu có tác động nhiều ở phần thể xác của con người, thì hai yếu tố “tính kiêu ngạo” và “sự giận dữ” lại có tác động tận sâu bên trong tâm hồn, phá hủy dần dần những giá trị đạo đức, nhân phẩm tốt đẹp của con người. Cùng với rượu thì giận dữ và tính kiêu ngạo trở thành kẻ thù số một của cuộc sống ấm êm, yên bình, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn, chúng phá hoại tất cả những niềm hạnh phúc, những ước mơ mà con người hằng gây dựng, gây ra những bất công, những ngang trái, thậm chí là những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà không ai có thể lường trước được. Vậy nên nói rượu chè, kiêu ngạo làm hỏng con người là hoàn toàn đúng đắn, điều này sẽ được tôi chứng minh cho các bạn thấy sau đây.
Thứ nhất nói về rượu, tôi nghĩ rằng rượu là một thứ gia vị của cuộc sống, vị cay tính ấm, thích hợp cho những lúc vui vẻ, tiệc tùng, nhấp môi chút ít, để tăng tình cảm, tình hữu nghị sưởi ấm tâm hồn đôi bên không phải là chuyện gì sai trái. Từ xưa đến nay người ta vẫn luôn có một cái thú vui tao nhã ấy là thưởng rượu ngắm hoa để bồi bổ tâm hồn, để thư giãn gân cốt sau những ngày giờ lao động mệt nhọc, cái đó tôi cũng không phản đối thậm chí đánh giá rất cao những người có phẩm vị biết cách thưởng rượu. Thực tế, việc nếm được cái ngon, cái say của rượu nó là cả một nghệ thuật mà người làm nghệ thuật trước tiên phải là một nghệ sĩ, kẻ phàm phu tục tử làm sao hiểu. Thế nhưng có một sự thật đáng buồn rằng thế giới đã thay đổi quá nhiều, rượu đã không còn có cái gọi là mỹ tửu, ngàn vàng khó cầu, mà người thì cũng chẳng còn ai biết đến cái thú thưởng rượu nữa. Họ chỉ đơn thuần lấy rượu uống làm thú vui, coi rượu là thứ để say sưa chè chén, để được quên hết sự đời, rồi chìm vào một chốn thần tiên khoái lạc nào đó do họ nghĩ ra, thậm chí có những kẻ tệ hại đến mức lấy rượu làm cái để thể hiện bản thân, cho rằng mình biết uống rượu, ngàn chén không say là chuyện vinh dự cỡ nào. Rượu trở thành thứ để thể hiện sự nhiệt tình, người ta sẽ nài ép nhau uống, người từ chối bị cho là không hiểu chuyện, không nể mặt người mời, người không biết uống rượu nghiễm nhiên trở thành đối tượng bị mọi người đặt ngoài mọi cuộc vui, trở thành kẻ quê mùa,… Có thể nói cuộc sống hiện đại đã thay đổi nhiều những thói quen của con người, buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, không có chuyện gì anh em gặp mặt cũng nhậu, đặc biệt là các thanh niên trẻ, việc chè chén rượu bia dường như là một phần của cuộc sống, nếu không có thì họ bảo là “nhạt”. Tôi không biết thế giới như thế nào liệu có giống Việt Nam hay không, khi mà cứ tầm 6, 7 giờ tối là các quán nhậu đã chật ních người cười nói, tiếng hò dô ầm ĩ, hết lượt người này đến lượt người khác, vô cùng lộn xộn. Ừ thì vui đấy, nhưng cuối cùng các bạn hãy nhìn lại xem rượu đã để lại cho con người những gì, ngoài việc hao tốn tiền của cho những cuộc rượu không bờ bến, những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng do người điều khiển phương tiện say rượu và không làm chủ được được tốc độ, những trận ẩu đả cãi vã, hành hung lẫn nhau thậm chí gây chết người,… Biết bao nhiêu gia đình đã tan nát cũng chỉ vì rượu. Không những thế sau những cơn say bí tỉ, tỉnh dậy người ta chỉ thấy một thân thể mệt nhoài, đầu đau như búa bổ, không có tinh thần làm bất kỳ một công việc nào khác, như vậy rượu đã gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, và hàng loạt những ảnh hưởng khác. Ngoài ra rượu tốt cho cơ thể, nhưng đó là khi ta chỉ uống một ít, còn nếu lạm dụng thì hàng loạt những loại bệnh tật từ lớn tới nhỏ sẽ lần lượt tìm tới bạn, bạn hẳn đã nghe đến việc chết vì bị ung thư gan, xơ gan cổ chướng do nghiện rượu nhiều năm, thủng dạ dày, nôn ra máu do uống nhiều loại rượu mạnh, hoặc đơn giản là cơ thể dần sa sút, không có tinh thần sau nhiều trận say khiến cơ thể bị nóng bên trong,…
Về tính kiêu ngạo và giận dữ, có thể rằng chúng là do trong quá trình giáo dục không cẩn thận mà hình thành, và cũng có một phần nhỏ nào đó xuất phát từ việc con người lạm dụng rượu bia mà nên, khi say người ta thường không làm chủ được bản thân là vậy. Tính kiêu ngạo khiến con người ta không biết được vị trí của bản thân, ảo tưởng sức mạnh, coi thường người khác, thường muốn làm những việc ngoài khả năng dẫn tới việc bị mọi người xa lánh, ghét bỏ, công việc khó khăn không ai giúp đỡ và dễ dàng bị thất bại. Đặc biệt người có tính kiêu ngạo lại thường hay bị những lời nịnh hót, mật ngọt dụ dỗ, để bị lợi dụng, thậm chí để người ta đem bán lấy tiền mà bản thân vẫn còn đang đếm tiền giùm họ. Khi không may bị thất bại, người kiêu ngạo thường khó gượng dậy nổi, bởi đối với họ thất bại dường như là một cú shock lớn, họ bị ngã từ đỉnh cao xuống, điều đó khiến họ không thể chấp nhận và đâm ra chán chường, không muốn bắt đầu lại từ đầu. Tương tự, sự giận dữ thì lại càng được biểu hiện rõ, người có tính giận dữ thường không bình tĩnh được trước bất kỳ một sự kiện nào hơi có tính đột phá, họ dễ bị kích động, có xu hướng bạo lực và không kiểm soát được bản thân, dễ dàng lao vào những cuộc tranh chấp không đáng có. Không thể hợp tác và giao tiếp bình thường với người xung quanh, làm việc dễ quyết định nóng vội, nông nổi mà không suy tính trước sau, cùng với bản tính kiêu ngạo người hay giận dữ cũng thường rất dễ thất bại trong cuộc đời.
Rượu cùng với tính kiêu ngạo và sự giận dữ chính là tổ hợp hủy diệt mạnh mẽ nhất đối với nhân hình và nhân tính của con người, chúng dường như che mờ đi tất cả, làm tầm mắt con người trở nên hạn hẹp, đầu óc không được minh mẫn, dần dà gặm nhấm con người từ cả thể xác lẫn tâm hồn, khiến chúng ta trở nên kiệt quệ, chán chường. Và trong một giây phút không tỉnh táo nào đó, tính kiêu ngạo, lòng háo thắng cộng với sự giận dữ sẽ khiến chúng ta không thể kiểm soát hành vi mà gây ra các sự việc không đáng tiếc. Chúng ta sẽ mất dần các mối quan hệ, cạn kiệt tiền bạc, gia đình trở nên ảm đạm, tổ ấm gần như vỡ nát, chúng ta sẽ dần mất hết tất cả, sức khỏe, tình cảm, người thân,… đó là một viễn cảnh kinh hoàng mà không ai mong muốn. Chính vì vậy chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của vấn đề, cần phải biết tiết chế bản thân, rượu có thể uống nhưng không thể lạm dụng, đối mặt với sự mời mọc nhiệt tình chúng ta cũng cần phải có những biện pháp ứng phó khéo léo, còn đối với tuổi thanh thiếu niên tốt nhất là nên tránh xa rượu bia bởi chúng ta vẫn chưa đủ nhận thức để có thể sử dụng chúng. Và bản thân mỗi con người cũng cần nhìn nhận lại tính cách của bản thân một cách nghiêm túc, lập tức sửa đổi tính kiêu ngạo và sự giận dữ vẫn hay thường trực để khiến bản thân trở nên trầm tĩnh và tỉnh táo hơn. Nuôi dưỡng tâm hồn bằng những quyển sách hay, bằng những cuộc vui có ý nghĩa, gần gũi tâm sự với với gia đình nhiều hơn để có một cuộc sống đẹp và một tinh thần khỏe mạnh.
Chung quy lại cuộc sống cũng phải có lúc này lúc kia, con người có ai mà không có khuyết điểm, cũng có những lúc người ta thèm hơi men của một chén rượu, cũng có những lúc người ta kiêu ngạo, tự mãn vì nhận ra bản thân có gì đó nổi bật và đặc biệt là sự giận dữ có thể xảy ra khi họ gặp phải những chuyện quá sức chịu đựng. Thế nhưng mỗi chúng ta sống trên đời đều phải biết khống chế bản thân thật tốt, biết thế nào là đủ để không bị những thứ tai hại làm hỏng cuộc đời bạn nhé.
Mẫu 3
Khổng Tử từng nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Mỗi người ngay từ lúc sinh ra không ai mang trong mình mầm mống của những thói hư tật xấu. Chỉ khi va đập với cuộc sống, bản tính thiện trong con người mới bị pha tạp. Có người cho rằng có ba thứ có thể làm hỏng một con người, đó là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ. Điều đó có hoàn toàn chính xác?
Tôi cho rằng, rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ đúng là ba điều có thể làm hỏng một con người. Khái niệm “hỏng” ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là hỏng về thân xác mà còn là biến dạng về nhân cách, nhân tính. Bản thân mỗi điều đó cũng đủ khiến con người không còn là chính mình bởi lẽ, tác hại của chúng rất lớn.
Thực tế mà nói, bản thân rượu không có hại nhưng sự lạm dụng của con người khi dùng rượu gây ra những tác hại khôn lường. Rượu làm con người mất tỉnh táo, không làm chủ được hành vi của mình, vì thế nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra. Những tác hại do rượu gây ra vô cùng nghiêm trọng. Trước tiên, xét về phương diện sức khỏe y tế, một chút rượu có thể làm con người hưng phấn, những loại rượu thuốc, nếu biết sử dụng chừng mực sẽ có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho con người. Nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trong Tuyên ngôn độc lập rượu “làm cho nòi giống ta suy nhược”. Những người uống rượu có khả năng mắc các bệnh về gan, tim, xơ gan, phần lớn nguyên nhân là do uống quá nhiều rượu bia. Cũng có không ít trường hợp đột tử do uống quá nhiều rượu.
Bên cạnh những ảnh hưởng về sức khỏe là những thiệt hại về kinh tế. Không tính đến chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tiêu thụ rượu cũng chiếm một khoản không nhỏ. Những cuộc nhậu nhẹt quá linh đình chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền cho khoản mua rượu.
Người uống rượu say thường không làm chủ được bản thân nên hay có những hành vi không kiềm chế, gây rối rắm mất trị an xã hội. Mỗi ngày hàng chục vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam nguyên nhân do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống quá nhiều rượu, bia. Những tổn thương về tinh thần cho cả nạn nhân và người thân của họ là không thể đong đếm được. Hình ảnh những người say rượu bê tha, các vụ đánh cãi chửi nhau do say rượu là những hình ảnh phi văn hóa nhất, cần bị phê phán.
Với những tác hại đó, chúng ta có đủ chứng cớ để kết luận rượu là nhân tố có thể làm hỏng con người.
Điều thứ hai có thể làm hỏng con người là tính kiêu ngạo. Kiêu ngạo là sự ngạo mạn, coi thường người khác. Kiêu ngạo không giống với kiêu hãnh và khác xa lòng tự tôn. Người kiêu ngạo cũng có khi đạt được thành công nên thường cho mình là trên hết, không ai bằng mình. Chính vì thế họ không bao giờ nhận thức đúng đắn về bản thân, không bao giờ nhìn ra điểm yếu của mình. Vậy nên, tính kiêu ngạo làm con người chủ quan, không biết sửa sai khi mắc lỗi, làm con người không có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Đó là lý do người kiêu ngạo rất hiếm khi thành công trong cuộc sống. Một học sinh kiêu ngạo không bao giờ đạt được kết quả học tập như ý. Một giáo viên kiêu ngạo không bao giờ có tiết dạy hay. Hẳn chúng ta ai cũng đã nghe câu chuyện dân gian Thỏ và rùa, Thỏ kiêu ngạo dù thực lực có chạy nhanh đến đâu cũng phải chấp nhận thu cuộc Rùa kiên nhẫn. Bài học về tính kiêu ngạo của Thỏ sẽ còn có giá trị giáo dục đối với tất cả chúng ta.
Điều thứ ba làm hỏng con người là sự giận dữ. Giận dữ là trạng thái giận đến mức tức tối, có lời nói và cử chỉ đáng sợ. Thường thì con người hay giận dữ khi gặp phải những điều trái ý mình. Có khi sự giận dữ là chính đáng nhưng cũng có khi sự giận dữ là vô cớ. Và dù có lý do hay không có lý do, lúc giận dữ là lúc con người yếu đuối nhất, hoang mang nhất.
Tác hại của sự giận dữ cũng ghê gớm không khác gì tác hại của rượu và sự kiêu ngạo. Sự tức giận làm con người mất tỉnh táo, hồ đồ trong hành động. Ông cha ta cũng đã dạy: “Cả giận mất khôn”. Bất kì sự giận dữ nào cũng khiến mọi việc “sôi hỏng bỏng không”. Người giận dữ sẽ thấy chính mình tổn thương và khi không kiềm chế được, làm tổn thương người khác là không thể tránh khỏi. Sự giận dữ của những tên bạo chúa thời phong kiến làm biết bao dân lành phải chịu cái chết thảm khốc. Có khi giận dữ đi liền với tội ác. Hành động đánh đứa trẻ hai tuổi của người đàn bà trông trẻ độc ác với lý do trẻ không chịu ăn là hành động vô nhân đạo. Không thể lý giải nó từ sự giận dữ…
Chung quy lại rượu, tính kiêu ngạo và sự tức giận đúng là ba điều làm hỏng con người. Nhưng đó chưa phải là tất cả những yếu tố làm nhân hình, nhân tính con người biến dạng. Còn nhiều thứ khác làm hỏng con người, ví dụ như ma túy, các tệ nạn xã hội, thậm chí cả tình yêu không đúng cách.
Chỉ một trong số những thứ trên đã đủ làm hỏng con người. Nhiễm phải bất kì điều tệ hại nào, chúng ta cũng rất dễ khiến mọi người xa lánh, ghét bỏ. Vậy nên, tất cả những thói xấu ấy đều đáng bị lên án.
Nhưng làm thế nào để bài trừ những thói hư, tật xấu đó ở mỗi con người? Trước hết, bản thân mỗi người phải có ý thức tăng cường khả năng tự miễn dịch. Hãy nói “không” với rượu, với tính kiêu ngạo, với sự tức giận, với tất cả những thói xấu, nết xấu trong cuộc sống. Để làm được điều đó, mỗi người cần phải xác định cho mình một bản lĩnh vững vàng. Cùng với những nỗ lực của cá nhân, cộng đồng, xã hội cũng cần có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục bằng mọi hình thức, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nặng… Có như vậy chúng ta mới có những người tốt – những bông hoa đẹp như Bác Hồ kính yêu từng trông đợi.
Thế hệ thanh niên ngày nay đang đứng trước nhiều vận hội và thách thức lớn. Một trong những thách thức đó là sự cám dỗ của những tệ nạn xã hội, những tư tưởng bảo thủ. Các học sinh, sinh viên không nên chủ quan mà cần chủ động nhận thức và bài trừ chúng.
Đã có rất nhiều nhân cách bị “hỏng” vì rượu, tính kiêu ngạo và sự tức giận. Đó là điều đáng buồn nhưng không đáng tiếc bởi những con người không có bản lĩnh trong cuộc sống thì nên bị đào thải.
Mẫu 4
Trong cuộc sống chúng ta ngoài việc tu dưỡng và tích lũy kiến thức cho bản thân thì việc trau dồi và tu dưỡng đạo đức cũng là một phần rất quan trọng mà chúng ta cần làm mỗi ngày, chính vì thế các thói quen hàng ngày là điều có ý nghĩa cực kì to lớn, nó đem lại cho con người rất nhiều điều. Và đúng như câu nói trên đã nói: Có ba điều làm hỏng một con người đó là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.
Trong cuộc sống có 3 điều sẽ làm hỏng một con người đó là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ, điều đó cũng thể hiện một cái nhìn đúng đắn, rượu nó là một loại vật chất khi con người ta uống vào, bao nhiêu cảm xúc sẽ bị ảnh hưởng và chi phối rất nhiều. Nồng độ cồn trong rượu sẽ làm cho con người cảm thấy bị tê tái và cảm xúc cũng sẽ bị chi phối vào đó. Khi có chút men vào trong nồng độ thì cảm xúc và tâm lý của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng, khi đó bao nhiêu những suy nghĩ đúng đắn, hành động thông minh sẽ bị mất đi.
Tính kiêu ngạo đây là một tính cách xấu, nó cần phải bị thay đổi, con người không chịu lắng nghe những gì người khác nói, kiêu ngạo và không chịu thay đổi bản thân, đây đều là những người cần phải thay đổi và phê phán sâu sắc. Tính kiêu ngạo sẽ giết đi các mối quan hệ cá nhân của người đó, họ sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn không có lối thoát nào hết. Tính kiêu ngạo không chỉ làm cho bản thân họ không thể nào phát triển được, nó còn kiềm chế cả những tính cách biết lắng nghe và chú ý của mọi người.
Sự giận dữ đây cũng là một tính cách mau lẹ, nhưng những lúc giận dữ con người thường không kìm chế được cảm xúc của bản thân, lúc đó nhiều quyết định sai lầm có thể bị quyết định ngay tức thì, chính vì thế sự giận dữ sẽ làm cho con người mất khôn ngoan và quyết định chưa chính xác.
Cả 3 điều trên đều ảnh hưởng rất lớn đến con người, nó làm cho con người đó sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, bao nhiêu cảm xúc cũng sẽ bị chi phối, cảm xúc riêng tư và bao nhiêu cái cá nhân cũng sẽ bị nó “ ăn tươi nuốt sống” đi nhiều hết. Tất cả mọi thứ ở đây đều thể hiện một điều đó là nó dồn nén cảm xúc và ức chế lại toàn bộ con người cũng như tính cách của con người đó. Mỗi chúng ta đều cần phải học cho mình đức tính nhẫn nại, biết kiên trì và bền bỉ hơn trong cuộc sống của mình.
Mỗi người chúng ta cần phải biết được tác hại của 3 điều đó, khi sử dụng rượu cũng cần phải biết sử dụng nó một cách hợp lý nhất để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Mỗi chúng ta cũng cần biết kiềm chế bản thân mình mỗi ngày, chỉ có điều đó mới giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc sống của mình.
Có ba điều làm hỏng một con người đó là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ cả ba điều này đều góp phần làm hại một con người, con người đó sẽ bị tụt hạng hơn so với những gì mà họ đã cố gắng mỗi ngày. Chúng ta cần phải đặc biệt chú ý và tránh bị ảnh hưởng bởi cái này.
Trong cuộc sống chúng ta thấy rất nhiều người luôn kiên định trong con người của mình, họ biết điều kiển mọi hành vi và hành động của mình qua tất cả hành động, biết kiềm chế mọi cảm xúc để làm nên những điều tuyệt vời nhất. Luôn luôn biết xét sự đúng sai, có tinh thần phê và tự phê trong cảm xúc của mỗi con người.
Nhưng bên cạnh đó cũng có người dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc nhất thời, điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cuộc sống cũng như con người của mình. Chính vì thế trong cuộc sống chúng ta cần phải luôn luôn xem xét lại bản thân của chính mình. Không nên để những cái xấu chi phối, bởi những cái xấu đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ tính cách, con người cũng như những giá trị của bản thân.
Rượu, tính kiêu ngạo, sự giận dữ có thể làm hỏng một con người. Chính vì vậy chúng ta cần phải tránh xa được nó, có như vậy chúng ta mới thực sự thành công và biết điều chỉnh mọi suy nghĩ cũng như tất cả hành động của mình trong cuộc sống, mọi hành động đều liên quan tới tính cách, con người, nó chi phối rất lớn đến toàn bộ cuộc sống và giá trị của bản thân của mỗi người.
Mỗi chúng ta cần phải rèn luyện bản thân mỗi ngày, phải luôn luôn có tinh thần phê và tự phê trong cuộc sống, có như thế chúng ta mới vững tin trong cuộc sống này.
Mẫu 5
Có khá nhiều những quan điểm đánh giá về mức độ làm hỏng một con người, như là phạm vào trọng tội, làm việc trái luân thường, đạo lý, pháp luật, sa đọa vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc,… Nhưng lại có quan điểm cho rằng: Có ba điều làm hỏng một con người đó là: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.
Việc đánh giá một con người “hỏng” tức là người đó đã không thể cứu vãn về mặt nhân cách, hành vi của người đó không được xã hội chấp nhận. Đôi khi chỉ cần một việc làm xấu thôi là đủ để người ta loại những người đó ra khỏi cuộc sống. Trong quan niệm trên, ba thứ rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ đã đủ làm nên việc hỏng một con người.
Đầu tiên chúng ta sẽ đề cập đến rượu. Ở đây không bàn về lợi ích của nó, mà hãy nhìn vào mặt trái mà nó mang lại. Người ta có câu: “Kẻ uống rượu đỏ mặt nhưng đen nhân cách”. Điều này khẳng định rượu là tác nhân để hủy hoại con người chúng ta. Say rượu con người ta sẽ không còn là chính mình, sự bê tha, nhếch nhác và tàn tạ sẽ lên ngôi. Không thiếu những vụ bạo hành gia đình xảy ra khi người cha say rượu đánh đập vợ con, bao nhiêu cuộc xích mích trên bàn nhậu để xảy ra xô xát đến đe dọa tính mạng người. Gần đây, chúng ta không khỏi đau lòng vì những vụ tai nạn giao thông liên hoàn khi những người say rượu vẫn cầm lái. Rượu làm chúng ta vui nhưng lại ẩn chứa bao nhiêu mối nguy hại đằng sau đó. Việc nó làm hỏng con người chẳng có gì sai.
Thứ hai, tính kiêu ngạo cũng làm hỏng con người. Kiêu ngạo là cho con người ta tự phụ về bản thân, kiêu căng, ngạo mạn. Trước người khác chẳng đáng được tôn trọng là người. Cuộc sống luôn là sự học hỏi và không ai là người hoàn hảo. Cái mình có, mình biết chưa chắc đã là duy nhất và đầy đủ. Bởi vậy thể hiện với đời mà thiếu đi tài năng thực sự, thiếu sự chân thành mà chỉ có sự tự tin thái quá thì sẽ khiến mình thất bại. Kiêu ngạo là luôn cho mình đứng trên người khác, mọi thứ đều dưới tầm con mắt thì sẽ tự loại mình ra khỏi thế giới con người.
Cuối cùng sự giận dữ cũng vậy. Nó khiến bạn mất đi nhiều thứ hơn bạn tưởng. Đó là cảm xúc bạn không thể kiềm chế được, nếu không đúng nơi, đúng lúc và hợp lý bạn trở thành kẻ ác nhân lúc nào không hay. Bởi mọi quyết định trong giận dữ sẽ khiến nó đề cao cái tôi của bạn, không để ý đến cảm giác của người xung quanh. Cha mẹ giận dữ có thể sẽ mất con, bạn bè giận dữ sẽ mất nhau, sếp giận dữ sẽ hỏng việc, vô cớ giận dữ có thể mất mạng… Hậu quả của việc giận dữ luôn rất nặng nề mà ngay bản thân người có cảm giác đó cũng gặp phải. Bởi vậy khi giận dữ thì sự bất đồng càng lớn, mối quan hệ càng giãn xa. Khi đó kẻ giận dữ cũng bị xa lánh. Cho giận dữ là nguyên nhân làm hỏng người đúng là không sai. Vậy ba thứ rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ, cuộc sống này vẫn luôn có. Nhưng hãy làm gì để chúng không làm hỏng người của bạn, chỉ có thể là do chính chúng ta. Biết kiềm chế, kiểm soát bản thân để mỗi người không bị rượu điều khiển, kiêu ngạo sai khiến và giận dữ làm chủ, chúng ta sẽ ở lại với thế giới con người!